Việc Việt Nam triển khai xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh (PNHBAN) vào thời điểm này có nhiều ý nghĩa quan trọng, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự PNHBAN của Liên hợp quốc (LHQ). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã khẳng định như vậy tại Hội thảo tham vấn về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN khai mạc sáng 6-11 tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam; bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam; Đại sứ, đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Ưu tiên thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế
Vấn đề PNHBAN chính thức trở thành chương trình nghị sự trên phạm vi toàn cầu khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua Nghị quyết 1325 vào năm 2000 với 2 mục tiêu là: Bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt giai đoạn của tiến trình giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định ưu tiên thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của Việt Nam. |
Đến nay, Chương trình nghị sự này đã trở thành khuôn khổ quan trọng, là cơ sở để tập hợp nguồn lực, tổ chức hành động, hỗ trợ phụ nữ trong các bối cảnh xung đột, khủng hoảng, từ đó giúp họ bảo vệ tốt hơn các quyền và phát huy hiệu quả hơn vai trò của mình trong xã hội. Hiện nay có 107 quốc gia thành viên LHQ (chiếm khoảng 55%) đã thông qua chương trình hành động quốc gia về PNHBAN, trong đó 56 quốc gia có chương trình hành động quốc gia đầu tiên về PNHBAN.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng Ban soạn thảo Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN của Việt Nam, nhấn mạnh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. “Chính những trải nghiệm của Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đặt ưu tiên quan trọng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế kể từ lần đầu tham gia HĐBA LHQ năm 2008-2009”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Việt Nam đã ghi dấu ấn quan trọng khi chủ trì thúc đẩy HĐBA thông qua Nghị quyết 1889 (năm 2009) về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hậu xung đột-được coi là một trong 4 Nghị quyết trụ cột của Chương trình nghị sự PNHBAN của HĐBA. Việt Nam hiện cũng là nước có tỷ lệ nữ chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở mức cao, đạt 16%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của LHQ là 4%. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết thêm, trong năm 2020, cũng tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết 1325 của HĐBA LHQ, sự kiện toàn cầu duy nhất trong năm kỷ niệm và thông qua Cam kết hành động Hà Nội, với 75 nước đồng bảo trợ, trong đó kêu gọi các nước xây dựng Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN.
4 mục tiêu của Việt Nam
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng cho rằng, chặng đường hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới nói chung và chương trình nghị sự PNHBAN nói riêng còn đứng trước nhiều thách thức. Dù chiến tranh trôi qua đã lâu, người dân và nhất là phụ nữ Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ thường nhật cũng như những hậu quả nặng nề do bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học/dioxin còn sót lại, dịch bệnh, thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19...
Ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao giới thiệu Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Việt Nam. |
Trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN vào thời điểm này tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự PNHBAN của HĐBA LHQ, tạo cộng hưởng cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy chương trình nghị sự này.
Báo cáo tại hội thảo, ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, Phó trưởng ban soạn thảo Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN của Việt Nam giai đoạn 2024-2030, cho biết, dự thảo đưa ra 4 mục tiêu, gồm: Tăng cường sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực chính trị đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn xã hội, xử lý và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế; Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong bối cảnh sự cố, thảm họa; tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; khắc phục hậu quả chiến tranh và trong thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát huy vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy Chương trình nghị sự về PNHBAN ở các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại ASEAN và LHQ. “Việt Nam cũng đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu trên”, ông Phạm Hải Anh cho hay.
Hội thảo thu hút đông đảo Đại sứ, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài tham dự. |
Các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi bên lề hội thảo. |
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam đánh giá, 4 mục tiêu trong dự thảo Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN của Việt Nam đã phản ánh cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết những thách thức đặc biệt đối với phụ nữ trong các tình huống xung đột và thảm họa, cũng như những sức mạnh và đóng góp đặc biệt mà họ mang lại trong những tình huống đó. “Chương trình này đã thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Cam kết hành động Hà Nội. Đó là “công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong việc đạt được hòa bình và phát triển bền vững, dù với tư cách là người kiến tạo hòa bình, người gìn giữ hòa bình, người xây dựng hòa bình hay người ứng phó với khủng hoảng và cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như thực hiện quyền con người như một phần không thể thiếu trong nỗ lực duy trì hòa bình quốc tế”, bà Caroline nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 6 và 7-11 tại Hà Nội, tập trung thảo luận về 4 mục tiêu chính của dự thảo Chương trình hành động quốc gia về PNHBAN của Việt Nam, cũng như chiến lược huy động nguồn lực ở cấp quốc gia và địa phương để triển khai Chương trình này. |
Theo qdnd.vn