Bên cạnh việc thúc đẩy tinh thần đối ngoại, xây dựng trách nhiệm, chuyến công tác tại Mỹ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Tối 12/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trả lời báo chí trước tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Dự kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự tuần lễ này trong các ngày 14-17/11.
Với ý nghĩa quan trọng đặc biệt của Hội nghị Cấp cao APEC năm nay và trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian qua, lãnh đạo Bộ Ngoại giao khẳng định chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa quan trọng.
Theo đó, Chủ tịch nước sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực, đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trả lời về các đóng góp của Việt Nam đối với diễn đàn APEC trong thời gian qua (Ảnh: Bộ Ngoại giao).
Việt Nam đồng thời cùng các thành viên thúc đẩy tinh thần đối thoại, xây dựng, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng hợp tác, cùng hành động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.
Trong chuyến công tác này, Chủ tịch nước sẽ tham dự, phát biểu và có nhiều cuộc làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực với sự tham dự của hơn 2.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại đây, Chủ tịch nước sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp, vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay và tận dụng được các cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của khu vực và từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
"Với Mỹ, các hoạt động của Chủ tịch nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trên tinh thần Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ vừa qua, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối các địa phương", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, trong 25 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC. Trong đó, nhấn mạnh ba dấu ấn nổi bật.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà các Năm APEC vào các năm 2006 và 2017.
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu….
Các sáng kiến, dự án này một mặt thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, đồng thời phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh thành công của các năm APEC 2016 và 2017, cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam tại diễn đàn đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực từ hợp tác APEC và các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo dantri.com.vn