Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm quốc gia

Chủ nhật, 26.11.2023 | 00:00:00
574 lượt xem

Sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Lạng Sơn

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối tháng 11/2023, các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện 86 dự án và các dự án thành phần đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố (trong tháng 10 Thủ tướng Chính phủ bổ sung 8 dự án vào danh mục dự án do Ban chỉ đạo theo dõi và tập trung chỉ đạo thực hiện).

Cụ thể gồm nhóm các dự án và dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; gói thầu nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án vành đai 4 thành phố Hà Nội và dự án vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, các dự án cao tốc trục Đông-Tây…Ngoài ra các địa phương cũng đang chuẩn bị đầu tư 19 dự án cao tốc tại 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Tại phiên họp lần thứ 7 ngày 13/7/2023, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong công việc, giải quyết có thời hạn, không đùn đẩy trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các địa phương và các cơ quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và kết luận tại phiên họp.

Nhờ đó nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đã từng bước được giải quyết kịp thời góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Tính đến cuối tháng 11/2023, các nhà thầu triển khai các dự án và dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đã tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” đã hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2, dự kiến dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Đối với các dự án và dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sau khi tháo gỡ vướng mắc các mỏ vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công đạt giá trị khối lượng hơn 14,7 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 15% giá trị hợp đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương

Các gói thầu thuộc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đều được triển khai theo kế hoạch và có tiến độ tốt; gói thầu nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thi công và giải ngân được hơn 2.179 tỷ đồng tương đương 20% kế hoạch vốn giao.

Công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật khối lượng cần thực hiện không lớn chủ yếu là đất ở cộng với việc xây dựng các khu tái định cư chưa kịp thời làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.

Đến cuối tháng 11/2023, các dự án và dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã giải phóng mặt bằng đạt 93,4% nhưng mới hoàn thành 76/147 khu tái định cư…

Đối với dự án cao tốc đoạn cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Chi Lăng đã được tỉnh Lạng Sơn hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến phê duyệt trong tháng 11/2023. Hiện các đơn vị liên quan đang phối hợp với UBND các huyện Chi Lăng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn thực hiện cắm mốc giới thực hiện giải phóng mặt bằng công trình.

Thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư, UBND các tỉnh thành phố được giao thực hiện dự án, các nhà thầu thi công báo cáo với Ban chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật…để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu đã tập trung thực hiện có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 7.

Qua đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xử lý các công việc phát sinh tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, một số đơn vị vẫn còn bị động, thiếu linh hoạt trong công tác phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tích cực quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh thi công các dự án; khu tái định cư, các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi đất rừng, đất lúa theo quy định. Đối với vấn đề vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, UBND các tỉnh phối hợp với các bộ ngành chức năng khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc sử dụng cát biển phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hướng dẫn và đẩy nhanh thẩm định các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cùng với đó, các chủ đầu tư và các địa phương tiếp tục rà soát hồ sơ các dự án, kiểm soát chất lượng công trình. Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư các địa phương được giao chủ quản dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định phấn đấu phê duyệt dự án trong năm 2023.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/626857-tap-trung-chi-dao-quyet-liet-cong-tac-giai-phong-mat-bang-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-quoc-gia.html

  • Từ khóa