Sau khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã nhanh chóng thông qua Công ước Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) với cam kết cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bếp ăn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần. (Ảnh: Trần Hải) |
Giữa muôn ngàn khó khăn, thách thức khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ mà trọng tâm là “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Hiến pháp 1946, Điều thứ 1).
Trong 333 đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa I, có 34 đại diện là người dân tộc thiểu số.
Như vậy, trước khi Công ước CERD được thông qua năm 1965, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng” (1) và Hiến pháp 1946 là “công cụ màu nhiệm để đoàn kết tất cả các giai cấp, đoàn kết toàn dân, luôn luôn phải bảo vệ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để cứu nước, dựng nước, giữ nước, mưu cầu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho toàn dân” (2). Điểm đặc biệt hơn nữa, trong 333 đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa I, có 34 đại diện là người dân tộc thiểu số.
Trên tinh thần ấy, Chính quyền non trẻ đã hiệu triệu và lãnh đạo 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi đến thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại và thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Nhiều tấm gương người dân tộc thiểu số như Vừ A Dính, Đinh Núp, Hồ Kan Lịch... đã đi vào lịch sử vì những đóng góp, sự hi sinh của họ cho đất nước.
Chính vì thế, sau khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã nhanh chóng thông qua Công ước CERD với cam kết cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người. Đồng thời tham gia Công ước CERD là cơ hội để Việt Nam trao đổi, hợp tác với các quốc gia, tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ hướng đến mục tiêu tất cả dân tộc đều được thụ hưởng các quyền cơ bản của con người gồm các quyền dân sự-chính trị và quyền kinh tế-xã hội-văn hóa.
Bên cạnh đó, lợi ích của Việt Nam khi tham gia công ước CERD là được Ủy ban Công ước hỗ trợ giám sát. Thông qua “kết luận quan sát”, Nhà nước Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng các trí thức, luật pháp quốc tế, kinh nghiệm, thực tiễn của các quốc gia thành viên trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Từ khi là thành viên chính thức của Công ước CERD, Việt Nam đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của các quốc gia thành viên. Việt Nam cũng nghiêm túc ghi nhận các khuyến nghị phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vui ngày hội. (Nguồn: nhandan.vn) |
Trên cơ sở này, Việt Nam đã nội luật hóa, bổ sung nhiều quy định pháp luật cụ thể, xây dựng, hoạch định chính sách tạo ra một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh nhằm bảo đảm quyền dân sự chính trị; quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Đối với các quyền dân sự chính trị, trong những năm qua, Việt Nam luôn coi trọng quyền tham gia vào hệ thống chính trị nhà nước của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Để bảo đảm quyền tham gia chính trị của các dân tộc ít người, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng để bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử của người dân tộc thiểu số. Đây là tiền đề cho việc ban hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 1997 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 2016.
Trong đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 1997 đã giao Hội đồng dân tộc phụ trách công tác chuẩn bị nhân sự là người dân tộc tộc thiểu số ứng cử Quốc hội, thể hiện việc tăng cường vị thế của cơ quan đại diện dân tộc trong Quốc hội với công tác bầu cử.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 2016 bổ sung quy định “bảo đảm ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số” (Khoản 2, Điều 8).
Nhờ những văn bản pháp luật và chính sách hiệu quả về quyền tham gia chính trị của người dân tộc thiểu số, tỷ lệ dân tộc ít người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội đã tăng lên đáng kể. Minh chứng thuyết phục nhất chính là Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV có 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, đạt 17,8 % cao nhất so với các khóa Quốc hội và gần với chỉ tiêu được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 2016.
Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV có 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, đạt 17,8 % cao nhất so với các khóa Quốc hội và gần với chỉ tiêu được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội 2016.
Đến nay đã có tổng số 52/54 dân tộc có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Đáng chú ý, Quốc hội khóa XIV ghi nhận lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người) và khóa XV ghi nhận lần đầu tiên có đại diện của dân tộc Brâu (dân số dưới 1.000 người) và dân tộc Lự (dân số 6.000 người).
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo. (Ảnh: Duy Linh) |
Từ các cơ quan trung ương đến địa phương, số lượng cán bộ là người dân tộc ít người ngày càng được cải thiện Đến 1/10/2019, số cán bộ công chức viên chức là người dân tộc thiểu số trong cơ quan Đảng, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội vùng dân tộc thiểu số lần lượt là 13.966 người, 74.674 người, 71.119 người, 27.396 người.
Công tác đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số được chú trọng, quan tâm đặc biệt theo định hướng bài bản nhằm nâng cao tri thức, cập nhật thông tin, bổ sung và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực chuyên môn để nâng cao hiệu quả công tác.
Đối với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân tộc thiểu số, Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách tổng thể khi lồng ghép nội dung hỗ trợ, bảo đảm quyền phát triển của người dân tộc thiểu số vào hàng các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhờ các chính sách ưu việt này, hơn 2 triệu hộ dân tộc thiểu số miền núi đã thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động (hơn 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp hơn 211 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở.
Các chính sách của Nhà nước đã giúp hơn 2 triệu hộ dân tộc thiểu số miền núi đã thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động
Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, tạo dựng sinh kế và cải thiện đời sống cho hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ dân tộc thiểu số với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng.
Để xóa khoảng cách về giáo dục, Nhà nước hành nhiều chủ trương, chính sách về củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi bao gồm các chính sách đãi ngộ đối với người dạy, chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập cho trẻ em mẫu giáo và học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, chính sách cử tuyển, các chính sách khuyến khích đối với người học và các chính sách đối với các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình, Nhà nước rất quan tâm đến công tác dạy và học tiếng nói, chữ viết, bảo tồn văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 06 thứ tiếng dân tộc thiểu số (có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành): H'Mông, Chăm, Khơ Me, Jrai, Ba Na, Ê Đê ở 23 tỉnh, thành phố trong cả nước với quy mô: 715 trường, 4.812 lớp, 113.231 học sinh.
Tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước có chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập. Mức hỗ trợ về học tập hằng tháng bằng từ 30% đến 100% mức lương tối thiểu chung tùy từng đối tượng.
Trên tinh thần xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng 54 dân tộc, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Từ đây, nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo đề án bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, các tác phẩm văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số trong hoạt động văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được bảo tồn và tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm văn hóa được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số như H'Mông, Ê Đê, Chăm, Khmer...
Nổi bật hơn cả có thể đến Mô hình phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO được Việt Nam coi trọng và thúc đẩy nhằm mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản thiên nhiên cũng như văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại các khu vực địa chất đặc biệt, thường là vùng sâu, vùng xa, núi non hiểm trở.
Những kết quả nêu trên đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước CERD nói riêng và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia nói chung.
Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức không thiện chí, mà nổi lên là cái tên “BPSOS”, “Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam”, “Người thượng vì công lý” vẫn ra sức phủ nhận những thành tựu này bằng các “báo cáo độc lập”, “thỉnh nguyện thư” với nhiều nội dung xuyên tạc sự thật về quyền của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Gần đây, những hội, nhóm này còn tìm cách trở thành báo cáo viên độc lập, quan sát viên để tham gia một số diễn đàn quốc tế có sự xuất hiện của đại diện chính phủ các nước lớn như Hội nghị cấp bộ trưởng quốc tế về tự do tôn giáo và tín ngưỡng (FoRB), Nghị viên Quốc hội châu Âu.
Trên danh nghĩa này, họ gây áp lực lên các chính phủ, tổ chức quốc tế hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra các yêu sách phi lý hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc như: đòi quyền tự trị, tự quản; đòi thành lập nhà nước ly khai; trả tự do cho các đối tượng âm mưu khủng bố, lật đổ chính quyền nhân dân…
Những hoạt động này liên tục được đẩy mạnh trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tiến hành bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD cho thấy bản chất của các cá nhân, tổ chức này không phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số mà chỉ nhằm hướng đến chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chính vì vậy, người dân trong nước cần nâng cao cảnh giác trước các âm mưu thâm độc này. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến người dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn cũng như đẩy mạnh truyền thông về các thành tựu của Việt Nam từ khi tham gia Công ước CERD đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
----------------
(1) Hồ Chí Minh: Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh toàn tập Tập 4, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật H.2011, tr.1
(2) Vũ Đình Hòe: Hiến pháp 1946, công cụ màu nhiệm để đoàn kết toàn dân, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 4/1/2016
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/viet-nam-quan-tam-bao-dam-quyen-cua-cac-dan-toc-post784447.html