Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức, cơ quan thẩm tra cơ bản đồng ý với ban soạn thảo dự án luật là cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
Về ý kiến xung quanh đề xuất cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho hay, trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã có quy định về những hành vi cấm, trong đó, có quy định cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe.
Theo ông Đức, về nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là phải thống nhất với nhau, luật ra sau phải lấy nguồn từ các luật trước. Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, các cơ quan, ban soạn thảo, thẩm tra đã đề xuất nội dung này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho hay, tất nhiên đây là ý kiến ban đầu, đang xin ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận và cần có sự đánh giá thấu đáo, rõ ràng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (Ảnh: Gia Hân).
Tuy vậy, dưới góc độ của cơ quan thẩm tra, ông Đức cho hay, quan điểm của cơ quan thẩm tra là đồng ý với cơ quan soạn thảo.
Hằng năm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thường xuyên đánh giá, tổng kết, cho thấy trung bình có đến 43% các vụ tai nạn hoặc vi phạm giao thông đường bộ nghiêm trọng xuất phát từ rượu, bia.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội lần đầu cho ý kiến với dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định 28 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, hành vi bị cấm đầu tiên là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", vì cho rằng quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.
Nhóm ý kiến này cũng cho rằng quy định trên làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Họ đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó, một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Theo dantri.com.vn