Nghị quyết 45 của Trung ương nêu rõ cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.
Quán triệt Nghị quyết 45 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45) chiều 4/12, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức.
Cũng trong nghị quyết này, Trung ương yêu cầu có kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Nghị quyết 45 của Trung ương (Ảnh: Hồng Phong).
Một nhiệm vụ được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề cập là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.
Theo đó, Trung ương yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam…
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, cần kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.
Nghị quyết 45 nêu rõ cần tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, dự án quan trọng của đất nước.
Nhấn mạnh việc khơi thông nguồn lực để phát triển, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng nếu tập hợp được sức mạnh trí tuệ của người Việt Nam, chắc chắn sẽ làm được nhiều việc vĩ đại. Dù vậy, từ thực tế, ông cho rằng nguồn lực còn manh mún, có nhóm lợi ích này, lợi ích khác và không có sự liên thông với nhau.
Đặc biệt, ông Nghĩa lưu ý cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (Ảnh: Hồng Phong).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quyết liệt, đồng bộ để các nghị quyết đi vào cuộc sống.
"Cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nghị quyết; nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực để đảm bảo các nghị quyết đạt được thực chất, gắn với từng địa phương, đơn vị", bà Mai nêu rõ.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý, quá trình kiểm tra, giám sát từng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thấy một số nghị quyết, chủ trương quan trọng ở một số tổ chức đảng chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sát, việc tổ chức thực hiện cũng còn hạn chế.
"Sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải rút kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc để việc thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao, không để xảy ra tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", còn hình thức, đối phó", Thường trực Ban Bí thư quán triệt.
Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý nhiệm vụ năm 2024 triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức, một số phát sinh có thể nằm ngoài dự kiến.
Do đó, theo bà, một số địa phương phải tăng tốc, có giải pháp đột phá mới có thể đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.
Theo dantri.com.vn