Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28

Thứ 4, 13.12.2023 | 16:19:20
426 lượt xem

Sáng 13-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên không thường kỳ để chuẩn bị Kỳ họp bất thường của Quốc hội, nếu có.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 28 là phiên họp thường kỳ tháng 12, cũng là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023. Tuy nhiên, có một số nội dung Quốc hội quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6, mà lùi lại để chuẩn bị thêm, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng cho các dự án rất quan trọng này. Đó là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do vậy, tính đến khả năng sẽ triệu tập Kỳ họp bất thường của Quốc hội để thông qua các nội dung còn tồn đọng từ Kỳ họp thứ 6 và một số dự án rất quan trọng khác (như chính sách thí điểm cơ chế đặc thù triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hay một số dự án rất quan trọng khác có thể Chính phủ sẽ trình bổ sung), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể sẽ họp thêm một số phiên họp không thường kỳ để chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường của Quốc hội, nếu có.

Phiên họp thứ 28 được tiến hành trong 3 ngày, gồm ngày 13, 14-12 và ngày 18-12, để cho ý kiến vào 19 nội dung quan trọng.

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc tổng kết Kỳ họp thứ 6, chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Theo thông lệ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận định, đánh giá, tổng kết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cử tri, nhân dân. Từ đó rút kinh nghiệm chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ họp sau, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất về tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua các chương trình công tác trong năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị...

Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ trước tới nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tập trung xem xét các đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp luật trên tinh thần chỉ đồng ý bổ sung nếu dự án bảo đảm chất lượng. Dự án nào chưa bảo đảm chất lượng thì nhất quyết không bổ sung vào chương trình. Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tinh thần làm việc như vậy.

Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc tăng cường hoạt động giám sát, giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là định hướng quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định chung về trình tự, thủ tục tiến hành cũng như quy định về việc ban hành nghị quyết hay kết luận sau khi kết thúc phiên giám sát, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

 Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Muốn mở rộng hơn, tổ chức giải trình thường xuyên hơn, chất lượng giải trình cao hơn thì cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất để không chỉ các cơ quan của Quốc hội triển khai, mà để các cơ quan hữu quan cũng nắm được. Sau phiên giải trình cần phải có một hình thức nào đó ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, như ban hành nghị quyết hay kết luận, để bảo đảm những nội dung giải trình được thực thi. Cùng với đó, những nội dung giải trình cũng nổi lên rất nhanh, nếu công tác chuẩn bị kéo dài vài tháng thì sự việc đã trôi qua, hiệu quả của công tác giải trình sẽ không được như mong muốn.

Do vậy, việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội là cần thiết, theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén như tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhóm vấn đề thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 11 nội dung quan trọng về tài chính, ngân sách, địa giới hành chính, nhân sự.

Nhóm vấn đề thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phân bổ kinh phí hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm việc để bảo đảm chất lượng cao nhất. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện các phần công việc để trình ký chứng thực một số dự án luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trình Chủ tịch nước ký lệnh công bố theo quy định của pháp luật.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-khai-mac-phien-hop-thu-28-755264

  • Từ khóa