Sáng 21/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì tổ chức phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Bộ Ngoại giao (Hà Nội) tới các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; điểm cầu của cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành dự phiên toàn thể tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo phát biểu của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trong những năm qua, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Cụ thể, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới. Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 11 trong khu vực châu Á; nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; là 1 trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong khu vực ASEAN. Cùng đó, hiện Việt Nam có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng lớp, điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, với vị trí trọng yếu trên tuyến hành lang kinh tế kết nối Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo các cấp, ngành triển khai công tác đối ngoại theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trọng tâm là thúc đẩy và mở rộng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc; phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các địa phương của các nước có quan hệ truyền thống như các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, các cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế,…
Tại phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, các đại biểu đã tập tập trung thảo luận hai vấn đề lớn, đó là: đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực; đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Cùng đó các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và địa phương đã trình bày các tham luận quan trọng, chia sẻ những xu hướng mới về đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo; tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn; các tiêu chuẩn quy định mới ở các thị trường truyền thống, cơ hội và thách thức mới ở các thị trường mới…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, ngành, các địa phương đạt được trong công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua.
Thủ tướng lưu ý: Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế thế giới để triển khai linh hoạt, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập; tiếp tục thực hiện chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động ngoại giao kinh tế. Cùng với đó, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp quốc tế; tăng cường hiệu quả phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam; linh hoạt, chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam;…
Theo baolangson.vn