Không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam

Thứ 3, 30.01.2024 | 09:35:21
491 lượt xem

Những năm qua, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao; được bạn bè quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.

Đội Công binh của Việt Nam được Liên hợp quốc lựa chọn triển khai tới Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei).

Đánh giá về công tác đối ngoại, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng ghi nhận: “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác.

Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện (...) Hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao”.

Trước những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, Đảng ta xác định công tác đối ngoại phải tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch coi lĩnh vực đối ngoại là “mặt trận hàng đầu”, là “mũi nhọn đột phá” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhiều thủ đoạn tinh vi đã được các đối tượng phản động, cực đoan sử dụng, tiêu biểu có thể kể đến việc xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại; triệt để khai thác những phát ngôn, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và tự ý biên tập, cắt xén làm sai lệch bản chất, nội dung để đăng tải trên mạng xã hội. Lợi dụng các chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, các phần tử cực đoan liên tục đưa ra những luận điệu sai trái, bài viết vô căn cứ hòng xoáy sâu những mâu thuẫn, vướng mắc trong quá khứ giữa các quốc gia, dựng lên cái gọi là “bè phái trong đảng”.

Mục đích là gây mâu thuẫn, căng thẳng, dấy lên sự nghi kị trong dư luận, từ đó tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Lợi dụng các diễn đàn, hội nghị quốc tế có Việt Nam tham gia, các tổ chức thù địch, thiếu thiện chí tranh thủ gửi các báo cáo, kiến nghị xuyên tạc tình hình trong nước cũng như đường lối ngoại giao đúng đắn của Việt Nam, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, một số người tự nhận là “người yêu nước”, tổ chức “đấu tranh vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam” thường xuyên đưa ra các đề xuất, kiến nghị, thư ngỏ nhưng bản chất là xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Gần đây, các đối tượng chống phá tập trung chĩa mũi nhọn vào đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam vì cho rằng đây là kiểu ngoại giao không lập trường, không thể tin cậy, không nên tin và đi theo, đồng thời bóp méo rằng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp” trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

Các đối tượng “định hướng” Việt Nam phải nhanh chóng “chọn phe”, cổ súy việc bất hợp tác, thậm chí chống lại quốc gia khác, từ đây kích động hận thù, tư tưởng dân tộc cực đoan, hẹp hòi. Song song đó, các đối tượng chống phá hướng lái dư luận đến việc cần phải thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với lý do Đảng là lực cản đối với sự phát triển của đất nước.

Không khó nhận ra âm mưu thật sự sau đó là tạo ra những bất ổn chính trị, hình thành mầm mống mâu thuẫn, chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị, dấy lên sự nghi ngờ, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân về chính sách đối ngoại của Đảng, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đặc biệt, mỗi khi có sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng như Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tháng 12/2021, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tháng 5/2023, Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân tháng 7/2023, và mới đây nhất là Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12/2023, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh các hoạt động chống phá, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới.

Thực tiễn cho thấy trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, công tác đối ngoại luôn đóng một vai trò quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam hình thành đường lối đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, đó là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thắm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Cụ thể, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu, linh hoạt, khôn khéo về sách lược; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Nhờ đó, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Là một quốc gia có xuất phát điểm với nền kinh tế kém phát triển, lại phải chịu hậu quả nặng nề bởi chiến tranh, bị bao vây, cấm vận khắc nghiệt trong một thời gian dài, tuy nhiên nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, chúng ta đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, và từng bước tạo dựng được một cục diện hợp tác quốc tế rộng mở.

Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ và nền kinh tế đối tác.

Quốc hội Việt Nam có quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân, phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng; có quan hệ kinh tế-thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã đạt khoảng 600 tỷ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, với đường lối “ngoại giao cây tre”, Việt Nam không chỉ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mà còn góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế đất nước.

Quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Bên cạnh việc tiếp tục đảm nhận các trọng trách quốc tế, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ...

Bình luận về những thành tựu của ngoại giao Việt Nam, ông Alfredo Femat Bañuelos, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Mexico-Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn đã góp phần tô đậm vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia có nhiều đóng góp cho thế giới.

Mặt khác, hoạt động ngoại giao hiệu quả cũng góp phần đưa hình ảnh một Việt Nam tích cực đến bạn bè năm châu, đó là một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, một quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc và một quốc gia tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Còn nhà báo Ángel Miguel Bastidas González của tờ Correo del Orinoco (Venezuela) đặc biệt đề cao ý nghĩa chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam, nhấn mạnh rằng với chính sách này, Việt Nam đã rất thành công trong việc duy trì mối quan hệ hiệu quả với các cường quốc, đồng thời vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.

Những thành tựu nổi bật nêu trên cũng như sự ghi nhận và đánh giá cao của bạn bè quốc tế đã minh chứng đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, góp phần vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây cũng là minh chứng sinh động để bác bỏ luận điệu xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam mà các thế lực thù địch đang thực hiện bằng nhiều âm mưu thủ đoạn tinh vi, thâm độc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/khong-ngung-nang-cao-vi-the-uy-tin-quoc-te-cua-viet-nam-post794420.html

  • Từ khóa