Dù quy định không yêu cầu phải đổi giấy tờ khi sáp nhập huyện, xã, đại diện Bộ Công an khuyến cáo công dân đổi căn cước theo địa danh mới để thuận tiện cho giao dịch. Việc này hoàn toàn miễn phí.
Thông tin này được đại diện Bộ Công an đưa ra tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Nhiều lo ngại khi tiến hành sáp nhập huyện, xã cũng được các địa phương phản ánh đến Ban Chỉ đạo, trong đó có việc chuyển đổi thông tin giấy tờ của người dân.
Làm rõ thêm vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho biết khi sắp xếp lại địa giới hành chính sẽ có thay đổi về tên gọi. Đi kèm với đó, một số trường thông tin của công dân cũng thay đổi nên hệ thống dữ liệu dân cư sẽ được chạy lại.
"Việc này có một chút khó khăn nhưng thực hiện được", theo đại diện Bộ Công an.
Đại diện Bộ Công an khuyến cáo công dân đổi căn cước theo địa danh mới sau sáp nhập để thuận tiện cho giao dịch (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Về quy định không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ nhưng để thuận tiện cho giao dịch, đại diện Bộ Công an khuyến cáo công dân nên đổi thẻ căn cước theo địa danh mới. Lệ phí cho việc này được miễn, theo quy định.
Với một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, có điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp. Về việc này, Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cũng nêu một số khó khăn trong việc lập quy hoạch khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính. Trong khi đó, thời gian thực hiện không còn nhiều.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng kiến nghị với những đô thị cấp huyện đã có quy hoạch, cố gắng đề xuất sớm lập đề án.
Theo Bộ Xây dựng, có thể hướng dẫn các địa phương làm đồng thời công tác lập quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị… để vừa rút ngắn thời gian, vừa bảo đảm tính chặt chẽ.
"Quá trình làm đồng thời chúng ta cũng xác định được có hợp lý hay không. Giờ sáp nhập hai đơn vị vào nhau, nếu cộng trừ nhân chia các kiểu mà không đáp ứng được, đừng cố lập quy hoạch", theo ông Văn.
Ông khẳng định trong vòng một tháng sau khi nhận tất cả hồ sơ, Bộ Xây dựng sẽ làm tất cả thủ tục trong vấn đề phân loại đô thị, báo cáo, rà soát, đánh giá tiêu chuẩn, tiêu chí để thành lập phường, trước khi chuyển sang Bộ Nội vụ.
Thông tin về việc bố trí nguồn lực, đại diện Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết sau sáp nhập dự kiến giảm 14 huyện và hơn 600 xã. Theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 600 tỷ để hỗ trợ một lần cho các địa phương với mức 20 tỷ đồng/1 huyện giảm, 500 triệu/1 xã giảm sau khi sắp xếp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết bước đầu dự kiến hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã giảm sau sáp nhập. "Đây là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ở nguồn vốn chi đầu tư phát triển. Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng để phân bổ chi phí theo đúng quy định", ông Hưng nói.
Về sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất khi tiến hành sáp nhập huyện, xã, ông Hưng cho biết với giai đoạn 2023-2025, Bộ Tài chính cho rằng cùng với việc xây dựng đề án sắp xếp lại huyện, xã, phải xây dựng ngay phương án tài sản; tạm dừng phê duyệt đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình với các huyện, xã có phương án sắp xếp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Đoàn Bắc).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết các địa phương đã rất nỗ lực đưa ra phương án sắp xếp 50 huyện và 1.243 xã. Dù có một số trường hợp có yếu tố đặc thù nhưng không nhiều.
Nhắc đến những việc cần tập trung, bà Trà nhấn mạnh các đơn vị phải phối hợp cùng thẩm định hồ sơ, đề án của 56 tỉnh, thành để trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lưu ý cần dồn lực để giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết nếu có khó khăn vướng mắc của địa phương, Bộ sẽ phối hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo giải quyết ngay.
"Đây là việc cực khó, rất phức tạp cần có sự phối hợp, thống nhất, cùng chia sẻ với các địa phương để làm", theo lời nữ Bộ trưởng.
Bà Trà nhấn mạnh mục tiêu là quyết tâm với tinh thần linh hoạt từng trường hợp cụ thể, với yêu cầu cao nhất để đạt được mục tiêu, chủ trương chung của Đảng và Quốc hội giao.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ nay đến 2025, toàn quốc có 50 huyện sáp nhập, trong đó 11 huyện bắt buộc, 16 huyện khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập, cả nước dự kiến giảm 14 huyện. 19 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù. Từ nay đến 2025, toàn quốc giảm hơn 600 xã sau khi sáp nhập 1.243 xã (738 xã bắt buộc, 109 xã được khuyến khích và 396 đơn vị liền kề). Hơn 500 xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện do có yếu tố đặc thù. |
Theo dantri.com.vn