Các quan chức Ukraine cảnh báo chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về kịch bản có thể gây ra bất lợi lớn cho Kiev.
Chiến sự Nga - Ukraine sắp kéo dài được 3 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khép lại (Ảnh: AFP).
Việc buộc Ukraine phải đàm phán với Nga trước khi Kiev giành lại lợi thế trên chiến trường sẽ là một sai lầm thảm khốc, các quan chức Ukraine đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lo ngại rằng chính quyền mới của Mỹ có thể giảm viện trợ quân sự nếu Ukraine từ chối đàm phán, Tổng thống Volodymyr Zelensky đang tìm cách chứng minh rằng Kiev cần thời gian và sự hỗ trợ để gia tăng chiến dịch tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo các trợ lý của ông Zelensky, nếu Ukraine không thể khiến Nga cảm nhận thấy "nỗi đau" trước khi đàm phán, điều này sẽ chỉ làm gia tăng lợi thế cho Nga, làm suy yếu KIev và cuối cùng tổn hại đến uy tín và lợi ích của phương Tây.
Trước đó, ông Trump đã nhiều lần hứa trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ.
Mặc dù đội ngũ của tổng thống đắc cử thừa nhận điều đó không thể thực hiện được, Keith Kellogg, tướng nghỉ hưu và là đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, đã tự đặt ra mục tiêu trong vòng 100 ngày để kết thúc cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, mốc thời gian tự áp đặt này đã gây lo ngại sâu sắc tại Kiev, nơi các quan chức cảnh báo rằng việc buộc Ukraine vội vã đàm phán với Nga sẽ chỉ có lợi cho Moscow.
"Cốt lõi của vấn đề là không có quyết định nào đơn giản và nhanh chóng ở đây. Chúng ta phải kiểm soát thế chủ động. Không được để Nga nắm quyền điều khiển", Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của ông Zelensky, nói.
Mặc dù Nga đang đạt được đà tiến mạnh mẽ ở Donbass, Ukraine cho hay họ cũng đang gây thiệt hại cho Moscow.
Gây tổn thất cho Nga
Trong tuần qua, Ukraine đã thực hiện một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Nga từ trước đến nay, sử dụng máy bay không người lái tự chế, tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và tên lửa Storm Shadow của Anh.
Ukraine đã tấn công vào nhiều mục tiêu ở 4 khu vực của Nga, bao gồm các cơ sở dầu khí, nhà máy công nghiệp và các địa điểm sản xuất quân sự, nằm cách biên giới hơn 1.000km.
Những cuộc tấn công này có mục tiêu tác động đáng kể tới nền kinh tế Nga, và điều quan trọng là Ukraine phải nhận được sự hỗ trợ để buộc Kremlin tham gia vào các cuộc đàm phán, ông Podolyak nói.
"Hiện tại, 46% ngành lọc dầu của Nga đang bị tấn công hoặc nằm trong tầm tấn công của vũ khí Ukraine. Điều này có nghĩa là Nga đang dần mất đi một phần lớn ngành công nghiệp quan trọng này. Chúng tôi cũng đang tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự chủ chốt ở khu vực châu Âu của Nga", ông nói.
"Chúng ta cần phải duy trì áp lực này nếu muốn bước vào các cuộc đàm phán từ một vị thế mạnh. Chỉ khi Nga đang chịu tổn thất, họ mới sẵn sàng đàm phán một cách thực sự", ông lý giải.
Sau một năm liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, Ukraine đã gia tăng các cuộc tập kích sau khi nhận được sự cho phép từ Anh và Mỹ để sử dụng tên lửa viện trợ nhằm bắn vào đất Nga. Trong khi đó, Ukraine cũng tăng cường sản xuất máy bay không người lái trong nước, đặc biệt là UAV tầm xa.
Lý thuyết cho thấy, việc nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga là hiệu quả vì năng lượng là trụ cột nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, không rõ mức độ thiệt hại mà Ukraine đã gây ra, vì Nga giữ bí mật về phần lớn số liệu sản xuất dầu của nước này.
Tháng trước, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã khiến Nga phải đóng cửa các đơn vị lọc dầu chính tại nhà máy Novoshakhtinsk, nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga, lần thứ 3 trong năm.
Trong khi đó, lượng xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển của Nga đã giảm 9% trong năm 2024, cho thấy các cuộc tấn công đã buộc Nga phải cắt giảm xuất khẩu và củng cố khả năng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, một nguồn tin tình báo của Ukraine cho biết Nga phần lớn có thể sửa chữa các cơ sở dầu khí "trong vòng một tuần" và chỉ có thêm tên lửa từ phương Tây, cùng với các biện pháp trừng phạt năng lượng mạnh mẽ hơn, mới có thể khiến Nga phải tính toán lại.
Việc Ukraine kêu gọi sự hỗ trợ này khó có thể thu hút sự quan tâm từ chính quyền ông Trump.
Trong một báo cáo vào tháng 4 năm ngoái, tướng Kellogg đã lập luận rằng triển vọng chiến thắng quân sự của Ukraine trước Nga đã biến mất và khả năng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất gần như không thể.
Ông cũng khẳng định rằng viện trợ quân sự của Mỹ trong tương lai sẽ "yêu cầu Ukraine tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Nga".
Với các quan chức Ukraine, hy vọng hiện tại là nếu ông Trump không thể bị thuyết phục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết trên chiến trường, ít nhất ông cũng không từ bỏ Ukraine hoàn toàn.
Các quan chức Ukraine tin rằng họ đã đạt được tiến triển trong việc thuyết phục chính quyền Trump rằng chiến dịch quân sự của Nga "không chỉ về việc giành lãnh thổ mà là về việc phân bổ lại tầm ảnh hưởng", ông Podolyak nhận định.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine đang âm thầm chuẩn bị cho khả năng họ sẽ phải đàm phán từ một vị thế không thuận lợi nếu ông Trump vẫn cứng rắn buộc Kiev phải thương lượng.
Theo dantri.com.vn