Trong chuyến thăm năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng thủy lợi Plei Keo nhằm giúp bà con xã Ayun, Gia Lai tưới những cánh đồng đang khô khát.
Nỗi buồn của người thương binh 94 tuổi
Tháng 4/2017, trong chuyến làm việc trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm gia đình thương binh Đinh Phi và các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai.
Trải qua hơn 7 năm nhưng bà con ở Ayun vẫn nhớ từng lời nói động viên, khích lệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi năm 2017 (Ảnh: TTXVN).
Lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 7 năm trước, thương binh Đinh Phi còn khỏe và lắng nghe từng lời căn dặn, động viên. Đến nay, ở tuổi 94, ông Đinh Phi đã nằm một chỗ, tai nghe không rõ… Ấy vậy, khi nhắc về vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé nhà thăm, ông Đinh Phi lại xúc động, rơi nước mắt.
Vợ ông, bà Đinh Brat nói: "Ông ấy nằm một chỗ nhiều năm rồi, giờ không nói và nghe được nhiều. Tuy nhiên, khi nhắc về lần Tổng Bí thư ghé nhà thì ông ấy gật đầu rồi cười tươi. Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, ông nhà tôi buồn lắm, không chịu ăn uống gì mấy ngày nay".
Ở tuổi 94, thương binh Đinh Phi xúc động khi nhớ về lần vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm nhà (Ảnh: Phạm Hoàng).
Gia đình vợ chồng anh Đinh Lyam (SN 1978) và chị Đinh Cheo (SN 1979), trú tại làng Tung Ke 2, xã Ayun là hộ gia đình khó khăn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm, động viên.
Sau hơn 7 năm, gia đình anh Đinh Lyam đã vươn lên thoát nghèo. Vợ chồng anh đang sở hữu hơn 5 sào ruộng, 1ha đất trồng cây hoa màu. Các con đều chăm ngoan đến trường.
Anh Đinh Lyam tâm sự: "Khi Tổng Bí thư ghé thăm, bà con trong xã phấn khởi lắm. Bác đi đến đâu là bà con mình cũng theo để được nghe những lời căn dặn, hướng dẫn làm ăn kinh tế. Cá nhân tôi cũng như bà con luôn biết ơn Đảng và Nhà nước và tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Ayun.
Nhờ những công trình, bà con mình đã ấm no, không lo đói lúc mùa giáp hạt đến".
Món quà của Tổng Bí thư giúp dân thoát nghèo
Ayun nằm biệt lập như một "ốc đảo" so với các xã khác của huyện Chư Sê, Gia Lai, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Vì không chủ động được nguồn nước nên người dân chỉ trồng lúa một vụ và trông chờ vào trời mưa. Suốt nhiều năm, cái nghèo bủa vây bà con đồng bào Ba Na ở Ayun.
Trong chuyến làm việc tại Gia Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm xã Ayun. Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân xã Ayun, Tổng Bí thư đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Gia Lai ưu tiên bố trí nguồn vốn nhằm khẩn trương thực hiện Dự án thủy lợi Plei Keo, đưa dòng nước từ lòng hồ Ayun Hạ về phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm người dân xã Ayun, huyện Chư Sê vào năm 2017 (Ảnh: Báo Gia Lai).
Sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã chung tay, tháo gỡ khó khăn, khẩn trương xây dựng Dự án thủy lợi Plei Keo. Công trình được khởi công tháng 6/2018 và hoàn thành vào năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng do UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư.
Công trình có năng lực tưới cho khoảng 500ha cây trồng với 400ha lúa nước 2 vụ và 100ha cây trồng khác. Nhờ có công trình thủy lợi Plei Keo, người dân xã Ayun đã mở rộng diện tích lúa 2 vụ. Khi chưa có thủy lợi, bà con đồng bào mỗi năm chỉ trồng khoảng 50ha lúa một vụ. Sau này, người dân đã nỗ lực nâng diện tích lên 300ha lúa 2 vụ.
Ngoài "cú hích" nhờ nguồn nước dồi dào của công trình thủy lợi Plei Keo, tỉnh Gia Lai còn tập trung nguồn lực từ các chương trình để giúp người dân xã Ayun từng bước thoát nghèo.
Công trình thủy lợi Plei Keo phục vụ hơn 300ha lúa nước 2 vụ và hàng trăm diện tích cây nông nghiệp ở xã Ayun (Ảnh: Phạm Hoàng).
Ông Nguyễn Văn Hợp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: "Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất lúa 1 vụ dựa hoàn toàn vào nước mưa tự nhiên nên năng suất thấp. Chính vì vậy, bà con luôn chịu cảnh đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 80% dân số.
Từ khi có thủy lợi Plei Keo, xã đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã còn chưa đến 40%".
Theo ông Hợp, công trình thủy lợi Plei Keo đã giúp giải bài toán "khát nước" bao đời nay ở Ayun. Bà con thoát cảnh khô khát bên dòng sông Ayun. Thầy cô giáo không còn cảnh cuối tuần về thăm nhà, mua từng can nước mang vào điểm trường. Món quà đặc biệt của Tổng Bí thư như "đòn bẩy" để giúp xã trở mình, đổi thay một cách diệu kỳ.
Từ khi có công trình thủy lợi đưa nước đến, bà con ở Ayun nỗ lực lao động, phát triển kinh tế (Ảnh: Phạm Hoàng).
Dẫn chúng tôi đi khắp xã, ông Siu Blí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun rất tự hào về sự đổi thay nhanh chóng của xã nghèo Ayun. Theo ông Blí, ngày trước xã nghèo lắm, người dân đêm ngủ không cần đóng cửa vì chả có tài sản gì.
Quanh năm, bà con chỉ lên rẫy trồng cây lúa. Mùa giáp hạt, bà con lại lên rừng bắt con chuột, sóc hay hái rau rừng cải thiện bữa ăn.
Từ khi có công trình thủy lợi Plei Keo và nhiều chương trình hỗ trợ, bà con trong xã rất phấn khởi và nỗ lực hơn trong làm ăn, phát triển kinh tế. Trong lúc trồng lúa, bà con còn thả thêm bò, dê… Nhờ vậy, nhà tạm đều đã được xây kiên cố, khang trang. Người dân cũng mua thêm máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất.
"Tôi phấn khởi khi vùng đất mình sinh ra đã thay đổi nhanh, bà con không phải lo cái ăn. Vừa là cán bộ, cũng là người con của dân làng, tôi sẽ cùng với tập thể Đảng ủy xã phát huy khối đại đoàn kết, chung sức cùng đưa xã Ayun phát triển vững mạnh", ông Siu Blí cho biết.
Theo dantri.com.vn