Là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, theo Thủ tướng, Việt Nam và Ấn Độ cần cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ (ICWA) chiều 1/8, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ.
Theo Thủ tướng, ICWA là nơi tiên phong trong việc định hình tầm nhìn đối ngoại của Ấn Độ suốt hơn 7 thập kỷ qua, cũng là nơi khởi xướng nhiều sáng kiến, ý tưởng về đối ngoại của Ấn Độ, đóng góp tích cực cho hòa bình và hợp tác ở khu vực và trên thế giới .
Hợp tác, hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực
Với chủ đề "Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu", Thủ tướng nhận định Ấn Độ ngày nay đang phát huy vai trò ngày càng lớn.
Từ thực tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều vấn đề chưa có tiền lệ của khu vực và thế giới, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho rằng cần có tư duy toàn diện, tổng thể, kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất để tìm giải pháp hữu hiệu mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ cần cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển (Ảnh: Đoàn Bắc).
Là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, theo Thủ tướng, Việt Nam và Ấn Độ cần cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển; ưu tiên đối thoại, hợp tác và các biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai nước cũng cần cùng đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; ủng hộ và nỗ lực cho một Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng và bao trùm, tự do và rộng mở.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp không một quốc gia nào, không một dân tộc nào bị bỏ lại phía sau.
"Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ dân, có nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới nên có tác động, ảnh hưởng lớn tới các nước đang phát triển. Còn Việt Nam chỉ có hơn 100 triệu dân, nhưng vai trò, vị thế đang ngày càng được củng cố", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về chủ trương, chính sách và định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 6 chính sách trọng tâm về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa và xây dựng Đảng.
Nhấn mạnh nhiều thành tựu nổi bật, Thủ tướng cho biết Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó hơn 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và tương đương.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Tham dự sự kiện có đông đảo các đại biểu thuộc chính giới, các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên Ấn Độ (Ảnh: Đoàn Bắc).
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam ngày nay là nước đang phát triển có thu nhập trung bình; một trong 35 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; thuộc top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD (2023), tăng gần 60 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới.
Cũng theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
"Việt Nam tiếp tục xác định rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và cần bám sát thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội đồng các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ (Ảnh: Nguyễn Hồng).
Về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, theo Thủ tướng, quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất.
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai nước cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.
Thông tin về phương hướng "5 hơn" trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất một số ưu tiên để cụ thể hóa phương hướng hợp tác đã được thống nhất trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ.
Theo đó, Thủ tướng đề xuất củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát nhiều thành tựu nổi bật của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới (Ảnh: Nguyễn Hồng).
Thủ tướng gợi mở hai nước cần sớm xem xét đàm phán một thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại mới; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Việt Nam mong Ấn Độ sẽ có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là kết cấu hạ tầng, kết nối hàng không, hàng hải, năng lượng, dầu khí", Thủ tướng chia sẻ.
Ông cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kỳ vọng quan hệ với Ấn Độ sẽ tiếp tục "nở rộ dưới bầu trời thanh bình", như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958.
Theo dantri.com.vn