“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” là một trong những bài học quý báu, có giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám. Bài học đó đã và đang được vận dụng, phát huy trong khơi dậy, quy tụ sức sáng tạo và mọi nguồn lực trong nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận Hồng Bàng (Hải Phòng) luôn lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụ.
Trong quá trình phát triển đất nước, mặt trái của cơ chế thị trường len lỏi, tác động tiêu cực làm sai lệch nhận thức cũng như cơ chế vận hành của một số khâu, bộ phận trong hệ thống chính quyền các cấp. Đảng ta nhận thức rõ và luôn quan tâm chỉ đạo khắc phục hạn chế, đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phục vụ.
Dựa vào nhân dân để xây dựng chính quyền
Trải qua gần 80 năm lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm xây dựng chính quyền nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân. Trong đó, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền được coi trọng, được thể hiện tại Hiến pháp, nhấn mạnh trong các Nghị quyết của Đảng và được các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc.
Các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã tiếp thu, tổng hợp ý kiến đông đảo cử tri, cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội phát huy vai trò đại diện hợp pháp của nhân dân, đẩy mạnh việc tham gia góp ý của nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tỉnh Quảng Bình tiếp nhận, xử lý 19.938 ý kiến đóng góp; trong đó có 10.271 ý kiến tham gia xây dựng Đảng và 9.667 ý kiến tham gia xây dựng chính quyền.
Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Yên Bái tổ chức triển khai lấy ý kiến, đồng thời tổng hợp các ý kiến góp ý vào 1.335 văn bản như: Dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác của Trung ương và của tỉnh...
Nhiệm kỳ vừa qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức 313 cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Để bảo đảm hiệu quả của việc nhân dân tham gia góp ý với Đảng, chính quyền, Đảng ta tập trung chỉ đạo tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các quy định về những việc nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát góp phần không nhỏ nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Đoạn đường nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Giao Thủy (Nam Định). |
Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Dân vận Trung ương đánh giá:
Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy; bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng; góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống đại dịch Covid-19; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ, công chức xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhận thêm một nhiệm vụ ngoài quy định là chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang cho người dân địa phương.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Thị Tuyết Nga chia sẻ: Chính quyền tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân cho rằng người dân trong xã khi còn sống đã có nhiều đóng góp cho địa phương nên khi họ qua đời, chính quyền nên tổ chức lễ tang để tỏ lòng kính trọng và ghi nhận công lao.
Thấy đây là góp ý thấu đáo, chính quyền xã đã quyết định mỗi khi có người dân qua đời, chính quyền xã lo tổ chức lễ tang và tất cả cán bộ, công chức đều có mặt trong lễ truy điệu. Việc làm của chính quyền xã Việt Thành được nhân dân ghi nhận và đánh giá là biểu hiện sinh động của chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.
Tại Lạng Sơn, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 26/2/2014 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau 10 năm, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức quán triệt, thực hiện công khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhân dân; các nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn thực hiện khá đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình của từng địa phương, cơ sở.
Chính quyền các xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tiếp thu kiến nghị, đóng góp của người dân, kịp thời giải quyết mong muốn chính đáng của người dân.
Hướng đến chính quyền liêm chính vì nhân dân phục vụ
Tiếp tục xây dựng chính quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, loại bỏ dần biện pháp mệnh lệnh hành chính, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển.
Quyết tâm biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực, chính quyền các cấp đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, tăng cường áp dụng công nghệ, cải cách hành chính hướng tới đơn giản hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính giảm phiền hà cho nhân dân.
Chính phủ gương mẫu đi đầu tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử; triển khai hệ thống tiếp nhận kiến nghị và phản ánh từ cộng đồng qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư và đất đai đi vào hoạt động tạo ra một nền tảng thông tin quan trọng. Các dịch vụ trực tuyến như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội đã được các cơ quan nhà nước cung cấp.
Các bộ, ngành Trung ương và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà. Năm 2023, 14 bộ và cơ quan ngang bộ có tổng chỉ số cải cách hành chính đạt trên 80%.
Từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đạt kết quả chỉ số cải cách hành chính hơn 80%; nổi bật là tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%; thành phố Hải Phòng đạt 91,87%...
Tại cơ sở, nơi trực tiếp triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng đến nhân dân, các cấp chính quyền cũng đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế vận hành từ mệnh lệnh hành chính sang chính quyền phục vụ.
Là một trong những người đầu tiên được nhận thư khen của Ủy ban nhân dân xã từ việc hiến gần 100 m2 đất mở rộng đường giao thông nội đồng, bác Nguyễn Thế Ry, thôn Phù Sa, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) xúc động mong muốn chính quyền xã có nhiều hình thức động viên bà con tham gia xây dựng làng xóm hơn nữa.
Xã Tự Tân là một trong 16 xã đang triển khai Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” của tỉnh Thái Bình.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Giang, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình, mô hình “Chính quyền thân thiện” được triển khai tháng 9/2023, với bộ tiêu chí gồm 5 nội dung cơ bản là:
Chính quyền hoạt động công khai, minh bạch; chính quyền thân thiện, trách nhiệm; đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thân thiện, trách nhiệm, tận tụy; người đứng đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân; trụ sở làm việc khang trang, văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đây chính là giải pháp hướng tới xây dựng chính quyền của dân, do dân, liêm chính, vì nhân dân phục vụ. Không chỉ riêng tỉnh Thái Bình, cả nước hiện đã có hàng trăm mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ đang đi vào hoạt động. Kết quả đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân.
Một bài học kinh nghiệm trong xây dựng chính quyền liêm chính, vì nhân dân phục vụ là tăng cường công tác dân vận chính quyền. Thực tiễn đã chứng minh ở đâu chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thì nơi đó khó khăn, vướng mắc nhanh được tháo gỡ, sức mạnh niềm tin của nhân dân được phát huy mạnh mẽ.
Tháng 7/2020, Quảng Ninh triển khai tuyến đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái. Quá trình triển khai thi công dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Để gỡ “nút thắt”, tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt cao điểm 15 ngày ra quân đối thoại.
Sau gần 100 cuộc gặp gỡ, đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức từ cơ sở đến tỉnh thì 100% số hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đến nay, tuyến đường hoàn thành, mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tại Quảng Bình, đồng chí Trương Văn Hởi, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Ngay từ năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Bình đã có quy định về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Sau gần 10 năm triển khai, tỉnh đã tổ chức 1.529 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân và 1.460 cuộc đối thoại với chính quyền; qua đó đã kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh nhân dân đóng góp vào sự nghiệp phát triển của địa phương.
Mới đây, tại buổi đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định với cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn, nhiều tâm tư nguyện vọng, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân đã được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, giải đáp, chỉ đạo tháo gỡ, động viên các cấp hội phát huy vai trò trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh đã giải đáp cặn kẽ hơn 20 câu hỏi về các vấn đề: Cơ chế chính sách liên quan sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; các vấn đề liên quan đất đai, quy hoạch vùng, tích tụ ruộng đất, cấp quyền sử dụng đất và chuyển đổi số trong nông nghiệp; các vấn đề về vốn, tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; lĩnh vực lao động việc làm,...
Với những nội dung chưa rõ, cần cập nhật thêm thông tin, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, giao các sở, ngành, địa phương khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo nguyện vọng chính đáng của bà con.
Cùng với đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhiều mô hình, cách làm như “lắng nghe dân nói”; “diễn đàn nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hoạt động chính quyền”; “ngày cuối tuần cùng dân”; “cà-phê khởi nghiệp doanh nhân”; “ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính”; “tuyên truyền, trợ giúp pháp lý”... đang diễn ra rộng khắp cả nước. Đây cũng là giải pháp hiệu quả, giúp chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức hoàn thiện, nâng cao năng lực điều hành, quản lý, hướng tới chính quyền liêm chính, vì nhân dân phục vụ.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xay-dung-chinh-quyen-liem-chinh-vi-nhan-dan-phuc-vu-post825388.html