“Phải hoàn thành thu ngân sách dù có thể đề xuất hoãn, giãn thuế“

Thứ 4, 26.02.2020 | 14:24:23
485 lượt xem

Thủ tướng nêu rõ, có thể đề xuất hoãn, giãn một số loại thuế, nhưng vẫn phải hoàn thành mục tiêu thu ngân sách của năm nay.

Sáng 26/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục thuế khu vực thuộc 63 Cục thuế tỉnh, thành phố. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo việc triển khai việc sắp xếp, tin gọn bộ máy của Trung ương, Chính phủ, trong đó có Quyết định số 41 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị 

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Bộ đã cắt giảm được gần 3.000 đầu mối đơn vị hành chính, qua đó giảm trên 2.000 công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Riêng Tổng cục Thuế giảm được gần 2.500 đầu mối. Đối với việc sắp xếp, sáp nhập Chi tục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục thuế khu vực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau nhiều lần triển khai đã giảm được gần 270 chi cục thuế. Sau sắp xếp, số lượng các chi cục thuế còn lại chỉ là 415 Chi cục. Như vậy, tiến độ sắp xếp đạt 102% kế hoạch, vượt thời gian 10 tháng so với mục tiêu ban đầu. 

Nâng xếp hạng nộp thuế 7-10 bậc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã quyết liệt, chặt chẽ, bài bản trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, về đích trước gần 1 năm so với kế hoạch. Sau sắp xếp, cán bộ công chức, viên chức có tư tưởng ổn định, đoàn kết, công tác Đảng và chuyên môn được đảm bảo. Thủ tướng cho rằng, đây là bài học tốt để Bộ Nội vụ, các ngành, lĩnh vực nghiên cứu áp dụng.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Tài chính, ngành thuế năm qua hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu toàn diện, góp phần cân đối nguồn thu ngân sách. Trong đó, lần đầu tiên, cơ quan thuế 63 tỉnh, thành phố đều thu vượt mức kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý tăng 11,6%.

 Bên cạnh đó, ngành thuế đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ tiêu đánh giá mức độ thuận lợi trong nộp thuế của Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá tăng 22 bậc, từ 131 lên thứ 119 trong số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, đây vẫn là thứ hạng thấp, trong khi Việt Nam phấn đấu đứng top 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh. Muốn vậy phải khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong ngành.

Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ của ngành rất nặng nền là phấn đấu nâng hạng Chỉ số nộp thuế tăng 7-10 bậc trong đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam. Những gì cần rà soát nâng bậc thì ngành thuế cần bàn trong toàn hệ thống để triển khai, nhất là triển khai nhiệm vụ này trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh dịch bệnh càng khó hơn. Tại Hội nghị này, ngành thuế phải quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ công chức, quyết tâm hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, có giải pháp kế hoạch cụ thể trong từng đơn vị để thực hiện nhiệm vụ nặng nề Đảng, Nhà nước giao. 

Cũng để lành mạnh hơn về môi trường kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế thời gian tới phải khắc phục cho được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; tình trạng nợ đọng thuế, chây ì nộp thuế, trốn thuế chuyển giá. Bởi qua 96.000 cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng thu ngân sách hơn 18.000 tỷ. Cùng với đó là đôn đốc thu nợ đọng được trên 35.000 tỷ. 

Thủ tướng đề nghị ngành thuế, Bộ Tài chính cần có chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chưa đề xuất giảm thu ngân sách

Với số nợ đọng thuế tính đến hết năm 2019 gần 81.000 tỷ đồng, Thủ tướng cho rằng, nếu khắc phục tốt những bất cập này sẽ giúp tăng thu lớn cho ngân sách cho nhà nước.  

Đánh giá Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng chưa có cơ sở để Chính phủ điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ kép, đó là chống dịch thành công như nhân dân mong đợi, nhưng việc thứ hai rất quan trọng là phát triển kinh tế xã hội. Nhiều ý kiến chuyên gia nói rằng cần dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa của ngành tài chính. 

Thủ tướng đề nghị ngành thuế, Bộ Tài chính cần có chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là chính sách thuế. Trong đó có biện pháp hoãn, giãn, chậm nộp như thế nào, đặc biệt vận dụng các quy định pháp lý như thế nào trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thuế. Tuy vậy, vẫn cần phấn đấu tăng thu cả năm. Do đó, các cục thuế địa phương chưa đề nghị Tổng Cục thuế và Bộ Tài chính giảm nguồn thu ở địa phương. Hoãn, giãn nhưng tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn do ngành thuế quản lý phải hoàn thành toàn diện.

Nhắc lại các mục tiêu quan trọng của năm nay là thu ngân sách vượt 5% so với dự toán Quốc hội giao, tỷ lệ nợ đọng thuế giảm dưới 5% tổng thu ngân sách, Thủ tướng cho rằng, việc đảm bảo tăng thu là có cơ sở vì Việt Nam là nước chống dịch hiệu quả và có thể từ quý II trở đi là cơ hội tốt để các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch và các hoạt động khác diễn ra mạnh mẽ. Thủ tướng yêu cầu các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách đúng dự toán được giao. 

Bên cạnh đó, ngành cần nghiên cứu các mô hình thể chế, chính sách và cán bộ của quốc tế để áp dụng vào Việt Nam, nhất là việc bao quát các nguồn thu, bảo đảm quyền đánh thuế trong chuyển nhượng vốn cổ phần thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng nêu ví dụ của du lịch "không đồng" không có nghĩa là không thu tiền, nhưng giao dịch này chủ yếu qua mạng internet nên chúng ta không thu được thuế dẫn đến thất thu. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu quản lý thu thuế đối với khu vực ngoài quốc doanh, nhất là trong bối cảnh sử dụng tiền mặt còn lớn, chưa triển khai được thu thuế điện tử đối với khu vực hộ kinh doanh. Công tác thanh tra kiểm tra cần tập trung vào chuyển giá, thương mại điện tử tiến tới kiểm tra thanh tra bằng điện tử.  

Yêu cầu ngành thuế cần nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính thuế. Theo đó Thủ tướng đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa được 10% thủ tục hành chính thuế từ 304 thủ tục hiện nay, và phấn đấu năm nay nâng 50% số dịch vụ công trực tuyến của thủ tục thuế từ mức độ 1 và 2 lên cấp độ 3 và 4.

Với 13 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế phải thực hiện đồng bộ, không để khiếu kiện quốc tế liên quan về thuế, có đối sách một cách phù hợp ngay từ khi đàm phán./.


Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/phai-hoan-thanh-thu-ngan-sach-du-co-the-de-xuat-hoan-gian-thue-1014849.vov

  • Từ khóa