Theo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, những địa bàn Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát bị ảnh hưởng do bão lũ nghiêm trọng và nặng nề, nguy cơ sạt lở, ngập lụt còn tiếp diễn.
Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây - đã gây ra hàng loạt các thiên tai trước, trong và sau khi đổ bộ miền Bắc. Hàng trăm người đã tử vong, mất tích, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, làm gián đoạn từ sinh hoạt người dân đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước những đau thương của nhân dân, ngoài đưa ra những chỉ thị kịp thời, lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn trực tiếp đi thị sát, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Cán bộ chiến sĩ cảnh vệ sơ tán người dân ở Hà Nội ra khỏi khu vực bị ngập, lụt trên địa bàn (Ảnh: K01).
Lịch trình dày đặc của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an đã tổ chức tiền trạm, từ đó xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh, thời tiết nào.
Các thiết bị, vật dụng chuyên dụng, đồ dùng cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ như áo phao, ủng, áo mưa, dây thừng, cưa máy… được Bộ Tư lệnh trang bị đầy đủ cho các sỹ quan cảnh vệ.
Theo Thượng tá Nguyễn Thế Khoa, Phó trưởng Phòng Hậu cần, với điều kiện địa hình ngập, lụt, lầy lội… đơn vị phải lựa chọn các phương tiện chuyên dụng với tính năng ưu việt, đồng thời lựa chọn những cán bộ có nhiều kinh nghiệm đi đường đồi núi trong điều kiện thời tiết mưa lũ, sạt lở và có khả năng phán đoán các tình huống có thể xảy ra tham gia các đoàn công tác.
Lực lượng cảnh vệ bảo vệ Thủ tướng đi thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại thôn Làng Nủ, tỉnh Lào Cai (Ảnh: K01).
Rạng sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Nhận thông tin, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ xác định đây là những địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề, nguy cơ sạt lở, ngập lụt còn tiếp diễn. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đi tiền trạm; đồng thời khẩn trương bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Sau khi kiểm tra tại địa bàn tỉnh Yên Bái, đoàn công tác của Thủ tướng di chuyển đi huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Trung tá Vũ Xuân Thế, Phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho biết sau khi đến Trung tâm huyện Bảo Yên, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục di chuyển về xã Phúc Khánh để trực tiếp thị sát địa bàn thôn Làng Nủ - nơi bị lũ quét xóa sổ.
"Đoạn đường dài 18km vô cùng nguy hiểm với 30 điểm sạt lở và nhiều điểm đe dọa sạt lở. Lực lượng cảnh vệ đã phối hợp với công an, quân đội, dân phòng địa phương dọn đường, cắm biển tại các vị trí nguy hiểm để cảnh báo cho đoàn xe chở Thủ tướng đi qua.
Khi đến nơi, các sỹ quan tiếp cận tiếp tục bảo vệ Thủ tướng ra hiện trường để thị sát tình hình, động viên thăm hỏi nhân dân và các lực lượng đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân của vụ sạt lở. Gần 1h ngày 13/9, đoàn công tác bảo vệ Thủ tướng về đến Hà Nội an toàn", Trung tá Thế chia sẻ.
Sáng kiến của cảnh vệ
Với chuyến đi kiểm tra tỉnh Thái Nguyên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thượng tá Hoàng Đại Nghĩa, Phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho biết đơn vị chỉ có 30 phút để chuẩn bị cho chuyến bảo vệ công tác này.
Tuy nhiên, đơn vị vẫn kịp thời bố trí lực lượng, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phục vụ chuyến công tác.
Tại xã Nga My, huyện Phú Bình - địa bàn bị nước ngập sâu - để bảo vệ Chủ tịch Quốc hội, lực lượng cảnh vệ đã chủ động đề xuất Chủ tịch Quốc hội sử dụng dép rọ thay vì đi ủng để tiện cho việc lội nước và di chuyển.
Sỹ quan cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: K01).
"Kết thúc chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao công tác chủ động tham mưu, sáng kiến linh hoạt của cán bộ chiến sĩ cảnh vệ trong triển khai các công tác bảo vệ ", Thượng tá Nghĩa cho biết.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, dù trong điều kiện mưa lũ kéo dài, nhiều tuyến đường bị sạt lở, giao thông bị chia cắt, tình trạng thông tin liên lạc nhiều khó khăn, song, từ ngày 7 đến ngày 14/9, các sỹ quan cảnh vệ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bất chấp hiểm nguy, bảo vệ tuyệt đối an toàn 22 cuộc hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão do mưa bão, lũ lụt; thăm hỏi, động viên đồng bào tại các địa bàn bị thiệt hại nặng nề.
Trung tướng Trần Hải Quân - Tư lệnh Cảnh vệ - trao 500 triệu đồng ửng hộ Quỹ phòng chống lụt báo tới Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (Ảnh: K01).
Cùng với thực hiện nhiệm vụ công tác nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các cán bộ chiến sĩ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đóng quân, tổ chức sơ tán người dân và tài sản đến vị trí an toàn; nhanh chóng khắc phục, giải phóng khu vực mục tiêu và doanh trại bị cây đổ chắn lối, giúp người dân xung quanh sửa chữa nhà cửa, ổn định công tác và sinh hoạt.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về việc phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do bão Yagi gây ra, chiều 13/9, Trung tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Cảnh vệ, đã trực tiếp trao tặng 500 triệu đồng do cán bộ chiến sĩ cảnh vệ quyên góp, ủng hộ Quỹ Phòng chống lụt bão.
Theo dantri.com.vn