Đồng chí Hoàng Văn Thụ với “Lớp huấn luyện Lê Hồng Phong” ở Long Châu

Thứ 2, 04.11.2024 | 15:09:37
377 lượt xem

Đồng chí Lê Hồng Phong (tên thật là Lê Huy Doãn), sinh ngày 6/9/1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, phủ Hưng Nguyên, nay là xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), tháng 11/1931, đồng chí được Quốc tế cộng sản cử về hoạt động ở Đông Dương để khôi phục và phát triển các cơ sở đảng. Tại Long Châu (Trung Quốc), dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các lớp huấn luyện cách mạng cho những người Việt Nam yêu nước đã được tổ

Từ sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố những người yêu nước Việt Nam. Ở trong nước, hàng vạn đảng viên và những người yêu nước bị bắt bớ, tù đày, giết hại; nhiều cơ sở đảng và cơ sở quần chúng tan vỡ… Phong trào cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn thoái trào. 

Điểm di tích Nhà số 74-76 phố Nam, nơi đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ đã ở và tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng thời kỳ 1932-1933

Việc khôi phục, củng cố, phát triển phong trào cách mạng trở thành nhiệm vụ rất cấp bách hơn bao giờ hết. Lúc này, Long Châu đang là căn cứ, địa bàn hoạt động của Đảng ở hải ngoại. Nơi đây có tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do ông Bùi Ngọc Thành làm đại diện hoạt động mạnh mẽ từ năm 1927 thu hút những người Việt Nam yêu nước tham gia. Ngoài ra, còn có Chi bộ Hải ngoại Long Châu (thành lập từ năm 1930) vẫn  đang hoạt động gồm các đồng chí: Hoàng Đình Giong (Bí thư Chi bộ), Hoàng Văn Thụ (Phó Bí thư), Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt… Chính vì vậy, trong hành trình kết nối với cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong đã hướng về Long Châu.

Tháng 4/1932, từ Xiêm (Thái Lan), đồng chí tìm về nhà máy cơ khí Nam Hưng tại đường Cộng Hoà, thành phố Nam Ninh, Quảng Tây. Đây là cơ sở sản xuất do ông Bùi Ngọc Thành lập ra để làm kinh tế cho tổ chức, đồng thời tạo địa diểm liên lạc cho những người Việt Nam yêu nước. Theo hồi ký của ông Đoàn Viết Thọ (tức Vi Đức Minh - người hoạt động cùng thời với đồng chí Hoàng Văn Thụ), những ngày ở đây, đồng chí đã huấn luyện chính trị cho những người yêu nước đang làm việc ở nhà máy như Đoàn Viết Thọ, Lương Văn Tri, Vi Nam Sơn… Nội dung chủ yếu là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, đường lối chính trị của Đảng… Sau đó, theo sự tổ chức của ông Bùi Ngọc Thành, đồng chí được đưa về thị trấn Long Châu gần biên giới Việt - Trung để hoạt động.

Theo tư liệu của Bảo tàng Long Châu, đồng chí Lê Hồng Phong đã về ở và làm việc tại cơ quan bí mật của những người Việt Nam yêu nước tại số 74 -76 phố Nam (nay vừa là di tích, vừa là nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nơi đây được những người cách mạng Việt Nam thuê từ năm 1931 với danh nghĩa để làm ăn buôn bán nhưng thực chất là trụ sở, địa điểm liên lạc của tổ chức đảng và những người yêu nước Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Phong được bố trí ở cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ trong một căn phòng nhỏ ở tầng trên nhà số 76. Ngày nay, điểm di tích này được ghi rõ: “Phần lớn thời gian hoạt động cách mạng tại Long Châu đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lê Hồng phong đã nghỉ ngơi và làm việc căn nhà này”. Những ngày ở đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Hoàng Đình Giong đã được đồng chí Lê Hồng Phong bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin, phương pháp tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng trong hoàn cảnh bí mật…

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, cuối năm 1932 Chi bộ Long Châu đã được tổ chức lại, phát triển thành Đảng bộ đặc biệt Long Châu có chức năng như Ban cán sự đảng liên tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Đình Giong giữ cương vị Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ là Phó Bí thư. Ngoài ra còn có một số đảng viên người Trung Quốc như: Tiêu Quang Hộ, Lưu Mộng Quang…

Với mục đích tăng cường phát triển phong trào cách mạng ở vùng biên giới, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong các lớp huấn luyện cán bộ của Đảng bộ Long Châu đã được mở ngay tại phòng khách tầng 2 của nhà số 74. Đồng chí Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí khác trong Đảng bộ là người phụ trách lớp học, có nhiệm vụ lựa chọn, tổ chức đưa người từ hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sang dự các khoá huấn luyện. Bên cạnh đó còn lo đảm bảo các công việc hậu cần như: ăn, ở, sinh hoạt... Đồng chí Lê Hồng Phong là người trực tiếp truyền đạt nội dung cho học viên.

Theo nhà cách mạng Hồ Đức Thành (tức Bích Tùng) và tư liệu ghi lại, lớp huấn luyện đầu tiên được tổ chức vào tháng Giêng năm 1933. Để đảm bảo an toàn, mỗi lớp học thường chỉ có 5 - 6 người, mỗi đợt học khoảng 7 - 8 ngày, chủ yếu học những kiến thức cơ bản về đường lối đấu tranh cách mạng, cách thức tiến hành công tác vận động, tổ chức quần chúng; kiến thức chính trị, tình hình thế giới và tình hình Đông Dương... Cuối khoá học thường có phần liên hệ để nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong phong trào cách mạng ở mỗi địa phương.

Do người đứng ra thuê nhà có các mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương và được sự giúp đỡ của các đồng chí đảng viên người Trung Quốc, các lớp huấn luyện đã diễn ra an toàn. Sau khi hoàn thành khoá học, các học viên trở về nước làm hạt nhân, nòng cốt trong phong trào đấu tranh cách mạng của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Lớp huấn luyện chính trị này diễn ra trong khoảng năm 1933, tuy thời gian không lâu nhưng đã có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo đường lối đấu tranh cách mạng, trang bị phương pháp công tác quần chúng, từ hồi phục, phát triển mạnh mẽ của cơ sở đảng, khơi dậy niềm tin của Nhân dân đối với cách mạng, đưa phong trào của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng lên một bước phát triển mới. Với Lạng Sơn, đó là sự hình thành, phát triển của các tổ chức quần chúng ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Uyên… Đặc biệt là sự ra đời của chi bộ đảng đầu tiên ở Thuỵ Hùng (Cao Lộc) giữa năm 1933 do đồng chí Hoàng Văn Thụ là Bí thư.

Sách “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” bằng tiếng Trung - giáo trình đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Thụ đã dùng để huấn luyện cho cán bộ ở Long Châu hiện đang trưng bày tại nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh 74 - 76 phố Nam

Là chương trình huấn luyện do Đảng bộ đặc biệt Long Châu tổ chức, trên cương vị Phó bí thư, Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia xây dựng nội dung chương trình, tổ chức các khoá huấn luyện an toàn, hiệu quả để tạo nên đội ngũ cán bộ cốt cán lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Đó cũng là nền tảng quan trọng để đồng chí tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng về sau.

Ngày nay, Long Châu vẫn còn lưu giữ được những dấu tích quý giá của lớp huấn luyện Lê Hồng Phong thời kỳ đó. Nơi đây phục dựng nguyên trạng căn phòng nhỏ nơi đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Thụ thường ở và làm việc tại nhà số 76 phố Nam. Trong căn phòng nhỏ có những vật dụng giản dị, đơn sơ mang đậm phong cách những năm đầu thế kỷ XX như giường ngủ, bàn ghế làm việc, đèn dầu, hòm, tủ đựng tư trang cá nhân… Ngay sát bên cạnh là phòng khách dùng làm nơi huấn luyện cho cán bộ thời kỳ đó và những năm về sau. Không gian được bài trí giống một nơi hội họp gồm một chiếc bàn vuông rộng, xung quanh có 4 chiếc ghế tựa, phía sau kê thêm những chiếc ghế tựa, ghế dài dạng tràng kỷ cho nhiều người ngồi, hướng về vị trí trung tâm.

Trong không gian trưng bày chung của chủ đề “Long Châu với Chủ tịch Hồ Chí Minh” có một số hiện vật là đồ dùng sinh hoạt đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Thụ đã dùng thời kỳ ở đó như: thùng đựng gạo, cối xay bằng đá, chày giã gạo… Đặc biệt, có một cuốn sách “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” bằng tiếng Trung là giáo trình đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Thụ đã dùng để giảng dạy cho các lớp huấn luyện. Có thể nói, đó là di vật quý giúp cho việc nghiên cứu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Thụ, đồng thời minh chứng cho quá trình khôi phục, củng cố, phát triển phong trào cách mạng Việt Nam những năm sau cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930 -1931.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/dong-chi-hoang-van-thu-voi-lop-huan-luyen-le-hong-phong-o-long-chau-trung-quoc-5025735.html

  • Từ khóa