Xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện lãng phí

Thứ 5, 07.11.2024 | 09:22:56
351 lượt xem

Vừa qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt kết quả rất tích cực, nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, phòng, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng lãng phí diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, tác động tiêu cực đến sự phát triển đất nước và giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu là "giặc nội xâm", như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ" , "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng". Chính vì thế, phải ra sức phòng, chống". Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trong đó phải có sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức thành viên và nhân dân.

Cơ sở chính trị và pháp lý

Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã chỉ rõ tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đều xác định vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, có quyền và trách nhiệm phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân trong giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó Ðiều 6 ghi rõ: (1) Công dân có quyền giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua hình thức tố giác, khiếu nại, tố cáo hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát hiện và kịp thời phản ánh cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về các hành vi gây lãng phí; (2) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội; (3) Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương theo quy định của pháp luật; (4) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật. Ðiều 72 ghi rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, tổ chức của Nhà nước; giám sát việc xử lý hành vi gây lãng phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn hướng dẫn Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Ban Chấp hành công đoàn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước tổ chức hoạt động giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân thời gian qua

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đã quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ban hành Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định về phòng, chống lãng phí như: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành; các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chế, quy ước, hương ước...; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động gắn liền với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Nhiều tổ chức, đoàn thể có các chương trình về tiết kiệm, chống lãng phí, thân thiện với môi trường; có nhiều sáng kiến và thực hành tiết kiệm về điện, nước, vật tư, thời gian; xây dựng các sản phẩm hàng hóa giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh; hình thành nếp sống văn minh, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Mặt trận Tổ quốc các cấp chú trọng việc vận động nhân dân tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện quy định về nêu gương trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiến nghị sửa đổi cơ chế, quy định để tạo điều kiện và phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thông qua việc góp ý, phản biện xã hội theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thể chế một bước nội dung, hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi năm 2018.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bước đầu đã chú trọng tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân về những địa chỉ lãng phí và giám sát việc giải quyết; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý kiến, nhất là trước các kỳ họp Quốc hội và HÐND các cấp, tập trung các lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; các quy định liên quan đến cơ chế phân cấp đầu tư, quản lý các nguồn lực; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các dự án BOT, BT, các công trình đầu tư cả lĩnh vực công và tư chậm tiến độ hoặc không đưa vào sử dụng, gây lãng phí nhằm phát hiện những hạn chế, thiếu sót, kiến nghị khắc phục những "khe hở" dễ dẫn đến lãng phí, thất thoát.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống lãng phí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc tham gia phòng, chống lãng phí. Sự phối hợp hành động phòng, chống lãng phí trong hệ thống Mặt trận chưa thực sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; kết quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là nhận thức về phòng, chống lãng phí chưa đầy đủ; nhận diện chưa đúng về lãng phí; thực hiện chưa nghiêm túc việc công khai, minh bạch, thông tin và giải trình đầy đủ khi có ý kiến phản ánh, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân về địa chỉ lãng phí; chưa rõ trách nhiệm và chế tài nếu không thực hiện các giải pháp khắc phục lãng phí.

Xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu

Lãng phí cũng nguy hại không kém tham nhũng, tiêu cực. Ðể giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân thực sự hữu hiệu, góp phần tích cực vào phòng, chống lãng phí, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng gắn liền với tổ chức thực hiện, rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và điều kiện bảo đảm thực hiện. Nhiệm vụ này góp phần kịp thời sửa đổi các quy định của pháp luật còn bất cập, chưa đủ rõ, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức, thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phân cấp, phân quyền, cơ hội tiếp cận và phân bổ các nguồn lực; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lãng phí. Cần có nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí, hoàn thiện các quy chế, tiêu chuẩn về đạo đức, quy ước, hương ước ở khu dân cư để phát huy "tự soi", "tự sửa" cả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; hình thành lối sống, nếp sống văn minh, đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng ngày càng cao của con người nhưng không phải là xa hoa, lãng phí.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức thành viên cần ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cho giai đoạn mới 2025-2030, đưa nhiệm vụ chống lãng phí như nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn liền với các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đổi mới phương thức giám sát trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, các vụ việc mà dư luận và nhân dân quan tâm, bức xúc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Ba là, tăng cường phối hợp và thống nhất hành động trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan, tổ chức của Ðảng, Nhà nước, cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông, cổ vũ, động viên nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy những nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan báo chí trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và phản ánh thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổ chức thực hiện tốt giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xay-dung-co-che-giam-sat-phat-hien-lang-phi-post843508.html

  • Từ khóa