Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Thứ 2, 30.12.2024 | 09:05:56
317 lượt xem

Tiếp tục chương trình công tác tại Thừa Thiên Huế, chiều 29/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên Huế chung quanh việc đưa tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước vào ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Trưởng Ban Công tác đại biểu - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quốc Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu.

Cùng dự có đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2024, toàn tỉnh có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,15%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.840 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,9%, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 4 triệu lượt khách. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của Huế - Thành phố lễ hội. Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo điều kiện cho Huế khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị, trùng tu và bảo tồn di sản, phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đến nay địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, sáp nhập bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, không để tình trạng bỏ trống, gián đoạn công việc.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được thời gian qua; bày tỏ vui mừng trước tốc độ tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 38 của Quốc hội với 6 nhóm chính sách đặc thù liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo “cú hích” trong đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 2

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực, phối hợp các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023-2025. Các Nghị quyết này đánh dấu cột mốc phát triển mới, mở ra những cơ hội mới để địa phương tiếp tục phát triển.

Các thành viên Đoàn công tác cũng lưu ý, Huế cần thẳng thắn nhìn nhận thực chất vị trí của mình trên bản đồ phát triển của cả nước, nhất là trong thời gian tới khi đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sự phát triển của Huế không chỉ cho Huế mà còn cho cả nước. Do đó, Huế phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong phát triển, thể hiện ngay trong năm 2025 và trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Huế nhiệm kỳ 2026-2030 và mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thời gian tới. Chính quyền cần tập trung cải thiện thu nhập bình quân đầu người cho người dân, nâng cao đời sống cho huyện A Lưới vừa thoát nghèo. Địa phương cần chú trọng huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị di sản.

Các thành viên Đoàn công tác cũng lưu ý một số khó khăn, thách thức của Huế như: quy mô kinh tế còn nhỏ, tổng GRDP ước đạt 80.960 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người mới đạt 68,6 triệu đồng (hơn 2.840 USD), trong khi cả nước cuối năm 2024 đã là gần 4.469USD; tốc độ tăng trưởng của Huế còn khiêm tốn; thu nội địa đạt 11.336 tỷ đồng, vượt dự toán, nhưng còn thấp so với tiềm năng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 3

Quang cảnh cuộc làm việc.

Tạo đột phá khi đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương, đánh giá cao những thành quả của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được thời gian qua, nhất là trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn di sản.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội rất ấn tượng trước nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và nhấn mạnh, kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế trong gần 30 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt, là Cố đô, chứa đựng tinh hoa hồn cốt của dân tộc Việt Nam; có truyền thống cách mạng vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng và Nhà nước tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Cùng với đó, Huế thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của miền trung và cả nước; có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây; hệ thống giao thông phát triển (có đường cao tốc, đường quốc lộ, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài...).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 4

Các thành viên trong Đoàn công tác của Quốc hội tham gia ý kiến phát biểu tại buổi làm việc.

Nhất trí với ý kiến của các thành viên Đoàn công tác về những khó khăn, thách thức của Huế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố Huế phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Huế phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, thực hiện định hướng tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, "Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38 của Quốc hội đã mở ra cho Huế rất nhiều việc. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu rất rõ. Nghị quyết số 38 của Quốc hội cũng đã có tới 6 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thừa Thiên Huế, nhưng vì sao kết quả vẫn còn khiêm tốn? Nguyên nhân chủ quan là gì? Nguyên nhân khách quan là gì? Chúng ta đã làm tới nơi tới chốn chưa? Có quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng chưa quyết làm, chưa có sản phẩm thì thuộc ngành nào, thuộc lĩnh vực nào? Phải đánh giá thật kỹ lưỡng”.

Sau cuộc làm việc này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế có cuộc làm việc chuyên sâu với các sở, ngành của Huế về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 38 của Quốc hội xem những cơ chế, chính sách nào chưa thực hiện được, thực hiện chưa hiệu quả. Cùng với đó, địa phương cũng phải tập trung phân tích, đánh giá kỹ các lợi thế để tiếp tục phát huy; đồng thời, những mặt hạn chế thì phải làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan để khắc phục.

“Đơn cử như, cải cách hành chính đã đúng mức chưa? Cán bộ có tâm, có tầm, có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới chưa? Hay chuyển đổi số thì bao nhiêu cán bộ chúng ta thạo về chuyển đổi số? Cần chuyên gia tư vấn gì, ở đâu, trong lĩnh vực gì để thực hiện chuyển đổi số ở địa phương... Bây giờ, nông dân ở nhiều địa phương đã bán sản phẩm tại vườn, tại rẫy bằng điện thoại thông minh. Khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, chúng ta có đuổi kịp hay không thì năng lực, trình độ của cán bộ là hết sức quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 5

Lãnh các Ủy ban của Quốc hội cùng các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự buổi làm việc.

“Về cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội thông qua, tới đây tới đây đề nghị Ủy ban Kinh tế có cuộc làm việc sâu với thành phố Huế. Cần phân tích rõ những yếu tố khách quan và chủ quan, đánh giá những việc đã làm và những việc chưa đến nơi, những việc chưa có sản phẩm cụ thể để tính toán kỹ lưỡng”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị chính quyền thành phố Huế trực thuộc Trung ương đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Huế cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, chú ý bảo tồn văn hóa cố đô.

Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Huế tập trung thực hiện việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương với tinh thần hết sức quyết liệt để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trên Trung ương sắp xếp như thế nào thì địa phương sắp xếp như thế. Ngoài các sở, ngành sắp xếp thì các sở ngành không thuộc diện sắp xếp cũng phải rà soát, sắp xếp bộ máy bên trong của mình, bảo đảm tới đây bộ máy không còn cồng kềnh, biên chế không được “phình ra”. Chúng ta làm tới đâu chắc chắn tới đó, làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác cán bộ để sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ thực sự tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Có chế độ chính sách cho cán bộ sau sắp xếp, tăng cường cán bộ cho cơ sở.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cần làm nghiêm túc, quyết liệt, không để công việc bị gián đoạn, quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho người lao động sau sắp xếp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Huế thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; quan tâm vấn đề chính sách cho cán bộ sau sắp xếp và xử lý vấn đề trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, không để tình trạng lãng phí, bỏ không…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 6

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc làm việc.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Huế quan tâm vấn đề quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội... Với Huế, cần đặc biệt chú ý vấn đề bảo tồn văn hóa Cố đô trong quy hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, về đầu tư, tài chính ngân sách... đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, ban hành các Nghị quyết để tháo gỡ tại Kỳ họp thứ bảy, Kỳ họp thứ tám vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Huế phải kịp thời, chủ động ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kỳ vọng năm 2025 là năm tháo gỡ điểm nghẽn, ách tắc về kinh tế, xã hội. Do đó, thành phố Huế phải chủ động, đi tắt đón đầu, khi Trung ương có chủ trương, Quốc hội có Luật, có Nghị quyết, Chính phủ có Nghị định, văn bản quy định chi tiết thì địa phương cũng triển khai ngay, từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, giải ngân đầu tư công nhằm kích thích đầu tư tư nhân... để có thêm nguồn lực phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Huế đẩy mạnh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội...

Đặc biệt, cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về phát triển đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tới đây, Bộ Chính trị cũng sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ảnh 7

Huế phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa.

Ghi nhận các kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các ủy ban liên quan của Quốc hội có Đề án, Tờ trình cụ thể, nhất là đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 38 của Quốc hội thì sửa cơ chế gì, sửa vấn đề nào và sửa theo hướng nào. Cùng với đó, cần đề xuất được các cơ chế, chính sách đột phá, đặc biệt để Thành phố Huế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Huế một năm mới tràn ngập niềm vui, nhiều thắng lợi; đề nghị thành phố Huế chăm lo tổ chức đón Tết cổ truyền cho nhân dân trên tinh thần tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, Tết đến mọi nhà, Tết đến mọi người.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-thua-thien-hue-post853209.html

  • Từ khóa