Đề xuất sửa đổi nhiều quy định của kỳ họp Quốc hội

Thứ 4, 23.04.2025 | 14:42:35
395 lượt xem

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi nội quy kỳ họp chỉ ở mức độ tương đối, không thể cầu toàn. Ví dụ quy định thời gian phát biểu của ĐBQH là 7 phút, nhưng tùy tình hình có thể giảm xuống còn 5 phút.

Sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Dự thảo lần này sửa đổi, bổ sung quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.

Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo một số nội dung sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

Cũng theo dự thảo nghị quyết, việc xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp Quốc hội.

Theo dự thảo nghị quyết, kỳ họp thường lệ giữa năm của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5; kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10.

Trường hợp hai thời điểm này trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật, ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội là ngày làm việc kế tiếp.

Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp Quốc hội vào các thời điểm nêu trên hoặc trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Hồng Phong).

Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước quyết định theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối nhiệm kỳ và kỳ họp không thường lệ của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Về thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, dự thảo nghị quyết sửa đổi theo hướng đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu hoặc kéo dài thời gian của phiên họp khi thời gian của phiên họp không đủ để tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận.

Trong trường hợp rút ngắn thời gian mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu hoặc trong thời gian kéo dài phiên họp, đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu lần thứ nhất được phát biểu không quá 5 phút, lần thứ hai không quá 2 phút.

Dự thảo cũng đề xuất kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không quá 15 phút khi nội dung được thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sửa đổi chỉ ở mức độ tương đối, không thể cầu toàn. Ví dụ quy định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội là 7 phút, nhưng tùy tình hình có thể giảm xuống còn 5 phút.

Về quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội thống nhất giữ nguyên quy định về bầu, phê chuẩn chức danh trong bộ máy Nhà nước vì đây là quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Theo ông Mẫn, việc sửa đổi nội quy kỳ họp cần hướng tới tăng cường tính minh bạch, công khai, tăng cường các phiên truyền hình trực tiếp…

Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/4 (Ảnh: Hồng Phong).

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng thảo luận tại các phiên họp, tăng cường tính tương tác với cử tri thay vì việc chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.

Ông Mẫn cũng nhắc tới yêu cầu đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của đại biểu Quốc hội khi hoạt động tại nghị trường và có biện pháp xử lý nghiêm nếu đại biểu nghỉ họp thường xuyên, nhất là với đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về phạm vi sửa đổi bổ sung và giao cho Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo.

Ông lưu ý làm rõ việc bổ sung quyền và trách nhiệm của đại biểu khi phát biểu, tham gia ý kiến bằng văn bản, kể cả việc dự họp hay vắng mặt.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-sua-doi-nhieu-quy-dinh-cua-ky-hop-quoc-hoi-20250423095631879.htm

  • Từ khóa