45 năm sau ngày giải phóng, nhiều vùng đất ở tỉnh Quảng Nam đã đổi thay diệu kỳ
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhiều vùng đất ở tỉnh Quảng Nam đã đổi thay diệu kỳ. Lịch sử đã sang trang với những gam màu tươi sáng. Trên vùng cát trắng phía Nam của tỉnh Quảng Nam, nơi có địa đạo Kỳ Anh- “địa chỉ đỏ” của cách mạng, có vùng đất thép Núi Thành- nơi trận đầu đánh Mỹ, năm xưa kia là vùng cát trắng mênh mông, giờ đã mọc lên các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay…
Khu Công nghiệp Tam Thăng sau thời gian đi vào hoạt động đã lấp đầy 70% diện tích. |
Vùng đất Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là nơi bị chia cắt bởi các sông, suối, ao, hồ nên thường ngập lụt vào mùa mưa. Đất đai ở đây chủ yếu được hình thành trên nền đất phù sa cổ. Nói đến Tam Thăng là nói đến vùng đất của địa đạo. Trong đó phải kể đến địa đạo Kỳ Anh với nhiều ngõ ngách, có sức chứa cả một Tiểu đoàn. Đây là công trình đầy sáng tạo trong chiến tranh nhân dân.
45 năm sau ngày giải phóng, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ đã có sự bứt phá đi lên mạnh mẽ. Nổi bật là sự hình thành Khu Công nghiệp Tam Thăng tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách và giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương.
Ông Lê Hường ở tổ 3, thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng cho biết, trước đây gia đình ông xây dựng 1 trang trại ở khu vực đồng Nỗng, diện tích hơn 5 ngàn rưỡi m2. Trang trại này chủ yếu ông Hường trồng cây điều và một số cây ăn quả, mỗi năm thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Trang trại hình thành trên vùng cát trắng mênh mông, nơi mà đi một bước cát lùi nửa bước. Mùa hè không ai dám đi chân trần ra trang trại. Từ khi có chủ trương của tỉnh thành lập Khu công nghiệp Tam Thăng, gia đình ông Lê Hường đã bàn giao toàn bô diện tích trang trại để làm khu công nghiệp với mong muốn bà con được đổi đời.
Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên trên vùng cát trắng phía Nam của tỉnh Quảng Nam. |
“Người dân địa phương đây, trước kia sản xuất không có hiệu quả. Từ khi xây dựng Khu công nghiệp đến nay, đại đa số người dân ở địa phương kinh tế đi lên rõ rệt trong vấn đề lao động, cho công trình, cho công ty, một số trường hợp buôn bán phục vụ cho công ty”- ông Hường chia sẻ.
Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ được khởi công xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/2015). Để xây dựng khu công nghiệp này, tỉnh Quảng Nam cho áp dụng cơ chế đặc thù là ứng trước 80% tiền bồi thường và sẽ chi trả 20% phần còn lại sau khi phương án bồi thường được phê duyệt; xây dựng khu tái định cư để bố trí đất tái định cư cho người dân theo phương thức đất đổi đất (chẳng hạn người dân có 300m2 đất ở thì được đổi bằng chừng ấy diện tích đất trong khu tái định cư). Nhờ vậy, chỉ sau hơn 1 năm, 100 héc ta đất sạch được tạo ra để thu hút các nhà đầu tư. Đến cuối năm ngoái, Khu công nghiệp Tam Thăng đã thu hút 23 dự án đầu tư, trong đó có 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu đô la Mỹ, 4 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 338 tỷ đồng.
Nhiều công trình mọc lên trên vùng cát Quảng Nam. |
Ông Deokyun Han, Giám đốc Công ty TNHH DH Textile đầu tư sản xuất vải tại Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ chia sẻ, duyên cơ để Công ty đến với vùng đất Tam Thăng này trước hết là nhờ sự kết nối của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, khi đến vùng đất này sẽ thấy sự phát triển mạnh mẽ. Nơi đây có nguồn nhân lực dồi dào, người dân cần cù, chịu khó. Đó là những yếu tố thôi thúc chúng tôi đầu tư vào đây.
Từ Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ đi về phía Nam chừng 30 cây số dọc biển là đến “vùng dất thép” Núi Thành. Nơi đây được nhắc đến với trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ, nơi có những rặng dương già cằn cỗi mọc lên trên nỗng cát trắng, xa xa là những mái nhà tranh thấp lè tè luôn hằn sâu trong ký ức những người lớn tuổi. Bây giờ thì vùng đất này đã nhộn nhịp bởi hàng trăm nhà máy, công trình.
Ông Lê Hường trong căn nhà mới sau khi nhường đất xây dựng KCN Tam Thăng. |
Khu Kinh tế mở Chu Lai được thành lập vào năm 2003. Đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam được áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Ông Lê Vũ Thương, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, 16 năm qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Chính quyền và ngành chức năng địa phương luôn đồng hành với doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư kết nối hạ tầng, tập trung giải phóng mặt bằng tao quỹ đất sạch để doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà xưởng.
“Chính nhờ chính sách này mà khi nhà đầu tư có cơ hội là họ đầu tư ngay. Điển hình đó là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải. Những năm 2008 rất khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, chính giai đoạn đó, Quảng Nam đã hỗ trợ cho Trường Hải trong việc thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Cũng chính nhờ cơ chế đó mà Trường Hải đã xây dựng được khu công nghiệp cơ khí ô tô như ngày hôm nay. Kết quả mang lại cũng rất khả quan, chính là đóng góp nguồn thu cho ngân sách”- Ông Lê Vũ Thương nói.
Khu CN Bắc Chu Lai nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai. |
Từ huyện Núi Thành ngược về phía Bắc đến thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, những bãi cát trắng nhấp nhô ngày nào đã được san phẳng. Tuyến đường ven biển là sự kết nối cần thiết tạo cú huých cho Quảng Nam bứt phá vùng Đông, định hình cho việc xây dựng 6 nhóm dự án động lực mà địa phương quyết tâm thực hiện. Cuộc sống người dân đất Quảng từ chỗ chạy ăn từng bữa nay đã có sự tích lũy cho ngày mai. Đó là điều mà có lẽ ai cũng nhìn thấy và tự hào trong sự đổi thay./.
Hoài Nam/ VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/45-nam-giai-phong-quang-nam-su-troi-day-cua-vung-dat-thep-1024122.vov