Thủ tướng: Phải thổi luồng gió mới, quyết tâm mới vào cuộc sống

Thứ 5, 09.04.2020 | 10:04:16
614 lượt xem

Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp mà các Bộ báo cáo tại hội nghị phải thổi một luồng gió mới, quyết tâm mới vào cuộc sống.

Chiều nay, 8/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp chuẩn bị Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết an sinh xã hội, tăng cường an ninh trật tự và an toàn xã hội. Dự kiến hội nghị diễn ra vào thứ 6 tuần này. 

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp mà các bộ báo cáo tại hội nghị phải thổi một luồng gió mới, quyết tâm mới để vượt qua khó khăn, khởi động thời kỳ vươn lên mạnh mẽ.

thu tuong chu tri hoi nghi truc tuyen ban giai phap thao go kho khan hinh 1
Thủ tướng yêu cầu các bộ phải thổi một luồng gió mới, quyết tâm mới để khởi động thời kỳ vươn lên mạnh mẽ.

Khởi động thời kỳ vươn lên mạnh mẽ

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại hội nghị toàn quốc sắp tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu về gói an sinh xã hội, Bộ Công an có báo cáo về các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có báo cáo về những khó khăn đối với sản xuất kinh doanh, đánh giá việc triển khai cụ thể Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính có báo cáo về gói tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo về gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ. 

Thủ tướng yêu cầu các báo cáo phải nêu rõ được việc chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay. Thậm chí suy thoái này còn nặng nề hơn cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong nước, dù đà phát triển của năm 2019 rất tốt, nhưng suy thoái toàn cầu như vừa qua khiến kinh tế nước ta chỉ tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Đặc biệt các báo cáo phải nêu lên được các giải pháp khả thi.

Thủ tướng nêu rõ: “Tôi đề nghị không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà các bộ trong tình hình này phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống, để khởi động một thời kỳ khắc phục vươn lên mạnh mẽ. Phải thể hiện Việt Nam là điểm đến an toàn để đầu tư. Việt Nam đã có tiếng tốt rồi, một quốc gia an toàn, đầu tư thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào Việt Nam. Tinh thần đó để không chỉ nói về vốn đầu tư công mà thu hút cả đầu tư xã hội, FDI và đầu tư tư nhân ở Việt Nam”.

Hai chế tài đối với giải ngân vốn đầu tư công

Đối với lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ, phải có chế tài mạnh để giải ngân cho hết gần 30 tỷ USD: “Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, chúng tôi đặt vấn đề toàn quốc, các cấp, ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của vốn kế hoạch năm 2019 và năm 2020. Số vốn này gần 700.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD. Phải nhận thức vấn đề này với trách nhiệm rất lớn. Như sáng nay tôi nói với Đồng Nai. 23.000 tỷ mà các đồng chí tiêu hơn 1.000 tỷ năm 2020 cố gắng giải ngân được. Nếu để mãi không làm thì chịu thôi. Chính vì thế phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các Bộ, ngành các cơ quan Trung ương. Một tinh thần, chế tài đặt ra là cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm. Chế tài thứ hai là nếu không hoàn thành, hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì sẽ điều chuyển vốn sang đơn vị khác”.

Tại hội nghị tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần nêu các giải pháp cấp bách về ngân sách Nhà nước, nhất là các giải pháp thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp. Với việc giảm nguồn thu ngân sách thì Bộ cần có giải pháp tính toán cân đối nguồn thu; trong đó nguồn rất quan trọng để đảm bảo phục vụ chống Covid-19 và an sinh xã hội là tiết kiệm chi.

Phải giảm cả lãi suất khoản vay cũ và mới

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp trả nợ trong lúc khó khăn, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh bằng dễ tiếp cận vốn với lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cần cần tính toán giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay cũ và mới; cân nhắc mức lợi nhuận trong năm nay ở mức hợp lý để thực hiện tinh thần ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp sống được và ngân hàng cũng sống được. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành linh hoạt tỷ giá, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. 

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành công thương tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, nỗ lực triển khai các hiệp định thương mại tự do đã ký, sẵn sàng cung ứng nguồn hàng với giá cả phù hợp và đảm bảo cơ số phục vụ 100 người dân; tập trung giải ngân vốn các dự án đầu tư trọng điểm. Cần cơ cấu lại thị trường, các ngành, lĩnh vực hiệu quả, bền vững hơn, nhất là vận hành thị trường ứng dụng công nghệ số đảm bảo hiệu quả hơn.   

Nhấn mạnh nông nghiệp nông thôn là nền tảng ổn định, Thủ tướng cho rằng, cần đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nhất là chốt cứng diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới khó khăn hiện nay. 

Nhân câu chuyện này, Thủ tướng nhắc tới việc giá thịt lợn còn tăng cao so với giá thành sản xuất là điều khó chấp nhận: “Giá thành thịt lợn chỉ có 40-50 nghìn đồng/kg, không thể giá bán cao như vậy được. Cái lợi đó, đầu cơ đó phải đấu tranh một cách nghiêm khắc nhất bằng việc thực hiện Pháp lệnh về giá mạnh mẽ hơn. Đây là điều nông dân rất mong muốn. Một là tư thương, hai là giết mổ, ba là trung gian mua bán chứ có phải do người nông dân đâu. Cho nên phải đẩy mạnh sản xuất, quản lý tốt thị trường. Cho nên một số bộ kiến nghị đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá là có cơ sở. Nhất là khi thịt lợn chiếm quyền 4,2% trong tổng số hơn 700 mặt hàng tính toán tiêu dùng cuối cùng”.

thu tuong chu tri hoi nghi truc tuyen ban giai phap thao go kho khan hinh 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Đối với vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trước bối cảnh lao động thất nghiệp từ đô thị trở về nông thôn dẫn đến trộm cắp và các vấn đề phát sinh khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần nêu các giải pháp cho vấn đề này tại hội nghị toàn quốc. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay.  

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi trình bày tại hội nghị phải nêu những giải pháp thực hiện hiệu quả gói an sinh xã hội, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương. 

Nhấn mạnh vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải nỗ lực, có cơ chế, giải pháp thúc đẩy ngành, lĩnh vực phục hồi sau dịch; cần thường xuyên kiểm điểm việc triển khai các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, các địa phương phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra, nhất là các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Cùng với đó là thúc đẩy các thành phần kinh tế năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trong đó có việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Sắp tới Chính phủ sẽ có một hội nghị trực tuyến toàn quốc để lắng nghe, động viên và giải đáp các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. 

 Thủ tướng cho biết, kết thúc hội nghị này, Chính phủ sẽ có Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ với các giải pháp tốt nhất có thể được để tháo gỡ khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì ưu tiên vẫn là tập trung sức phòng, chống dịch./.


Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-thoi-luong-gio-moi-quyet-tam-moi-vao-cuoc-song-1034515.vov

  • Từ khóa