Lựa chọn mô hình hỗ trợ sản xuất: Sát thực tiễn, nâng hiệu quả

Thứ 2, 25.05.2020 | 09:06:28
821 lượt xem

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), việc lựa chọn mô hình phù hợp, sát với điều kiện thực tế có vai trò rất quan trọng.

Để hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng NTM, giai đoạn 2010 – 2019, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 117.454 triệu đồng, nhân dân đối ứng 86.507 triệu đồng. Qua đó, toàn tỉnh xây dựng được 379 mô hình tại 77 xã với 13.828 hộ tham gia, hiện nay có 329/379 mô hình còn duy trì và nhân rộng đạt tỷ lệ 86,8%. Nhiều mô hình hiệu quả ở các xã góp phần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng là một ví dụ.

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành kiểm tra thực tế tại mô hình trồng quýt tại xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan

Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi lựa chọn mô hình để hỗ trợ, có khá nhiều hướng. Tuy nhiên, qua khảo sát, Ban Quản lý xây dựng NTM của xã nhận thấy hỗ trợ mô hình làm cao khô là thiết thực hơn cả. Bởi đây là mô hình truyền thống, phù hợp với điều kiện trên địa bàn. Theo đó, năm 2017 và 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, xã đã hỗ trợ các hộ xây dựng sân, giàn phơi, tem mác, bao bì sản phẩm. Những hỗ trợ cụ thể đó đã giúp các hộ sản xuất cao khô nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, sản lượng cao khô trên địa bàn xã đạt khoảng 700 tấn/năm, cao hơn 50% so với năm 2015 và giá trị sản phẩm tăng 10%.

Bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả vẫn còn mô hình chưa phù hợp dẫn đến không duy trì, nhân rộng được. Một trong những lý do quan trọng nhất chính là việc lựa chọn mô hình chưa phù hợp. Điển hình như năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (100 triệu đồng/xã), các xã: Cao Lâu, Gia Cát, Hải Yến đã lựa chọn mô hình trồng chuối tiêu hồng, cây cam Đường ghép. Tuy nhiên, do không hợp điều kiện khí hậu, đất đai, người dân chưa có kinh nghiệm trồng loại cây này… nên chỉ sau 1 năm, phần lớn cây bị chết, mô hình thất bại.

Qua 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, một trong những kinh nghiệm quan trọng rút ra trong quá trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đó là: việc khảo sát, lựa chọn mô hình phải bám sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu và nhân lực. Bởi nguồn vốn hỗ trợ không nhiều nên cơ sở phải năng động, chủ yếu là hỗ trợ những mô hình đã và đang có để mô hình đó phát triển bật hẳn lên chứ không phải là xây dựng mô hình mới.

Ông Lương Văn Cai, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Với những bài học kinh nghiệm chung về hỗ trợ phát triển sản xuất trong những năm qua. Để triển khai chương trình năm 2020, Ban Quản lý xây dựng NTM xã đã chủ động  tuyên truyền, lấy ý kiến từ người dân và thành lập đoàn tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, có nét tương đồng với điều kiện khí hậu, đất đai, trình độ lao động của xã để học tập, áp dụng một cách phù hợp. Qua đó đến nay, xã đã lựa chọn hỗ trợ 27 hộ dân trồng trên 4 ha hồng không hạt Bảo Lâm và hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho hơn 1 ha cây Sachi. Đây đều là những mô hình rất tiềm năng.

Năm 2020, tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM là 70,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 59 xã ( xã nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2019 và các xã dự kiến đạt chuẩn giai đoạn 2020 – 2021), triển khai 64 mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ 32 mô hình sản xuất có hiệu quả; 56 mô hình sản xuất tại 91 thôn của 18 xã biên giới. Hiện nay, các xã, thôn được phân bổ nguồn vốn đã lựa chọn xong mô hình và lập hồ sơ trình các cơ quan chuyên môn thẩm định và triển khai thực hiện.

Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên môn đã chủ động kiểm tra, đẩy mạnh  tuyên truyền, hướng dẫn các xã triển khai các mô hình sản xuất phù hợp. Hiện nay, cơ bản các xã đã lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và nhanh chóng triển khai bắt tay thực hiện.

Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Để có thể hỗ trợ các mô hình, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đã chắt chiu từng nguồn lực. Do vậy, việc lựa chọn, khảo sát các mô hình có ý nghĩa rất quan trọng để phát huy nguồn lực hỗ trợ đó. Hy vọng rằng với những bài học kinh nghiệm đã rút ra từ thực tiễn, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM các xã sẽ có những lựa chọn, bám sát thực tiễn để nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất.


TÂN AN/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/nong-thon-moi/288958-lua-chon-mo-hinh-ho-tro-san-xuat-sat-thuc-tien-nang-hieu-qua.html

  • Từ khóa