Nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, có những doanh nghiệp dự kiến giảm từ 60-70%...
Mặc dù dịch Covid-19 được kiểm soát tại nước ta, nhưng những tác động kéo dài của dịch bệnh vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới người dân, trong đó có công nhân lao động.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, có những doanh nghiệp dự kiến giảm từ 60-70%. Trước thực trạng đó, Công đoàn Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tích cực nắm tình hình, lấy ý kiến doanh nghiệp và người lao động để có phương án hỗ trợ.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 4 năm nay, 5.600 doanh nghiệp và hơn 1.300 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất, tác động đến đời sống việc làm hơn 461 nghìn người lao động.
Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19. |
Đặc biệt, cả nước đã xảy ra nhiều cuộc ngừng việc tập thể, tăng 25 cuộc ngừng việc tập thể so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu, tập trung tại các ngành dệt may, da giày… đã thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với một bộ phận người lao động do các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu là Mỹ, châu Âu ... bị cắt giảm như: Công ty Cổ phần Giày da Huế Phong, cắt giảm hơn 2.000 lao động; Công ty PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Những tháng đầu năm, Hoạt động công đoàn chủ yếu tập trung vào việc phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid - 19 tại nơi làm việc.
Tổ chức công đoàn đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động trong và sau thời gian giãn cách xã hội. Trích tài chính công đoàn hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh".
Mặc dù dịch Covid-19 được kiểm soát tại nước ta nhưng dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới. Theo nhận định của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến tích cực, dự báo có ít nhất khoảng 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm, 3 đến 3,5 triệu lao động phải ngừng việc và khoảng 70 - 75 % số doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Điều này tiềm ẩn yếu tố phát sinh những diễn biến phức tạp trong quan hệ lao động, nhất là vào dịp cuối năm. Để nắm bắt tình hình, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tổng hợp ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động về những vướng mắc trong thực hiện gói 62.000 tỷ động, từ đó kiến nghị chính phủ sửa đổi một số quy định như: giảm bớt các điều kiện ràng buộc về mặt tài chính để doanh nghệp có thể được vay gói hỗ trợ này.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Đối với doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động, hiện nay hầu như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay này. Dự kiến là 16.000 tỷ đồng của ngân hàng xã hội.
Chính vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị để nới lỏng các điều kiện cho doanh nghiệp vay tốt hơn. Đối với những lao động tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hộ kinh doanh, lao động tự do, một số điều kiện tương đối chặt chẽ, nên hiện nay đang khó khăn để hỗ trợ đối tượng lao động này, lao động tự do, hộ kinh doanh, chúng tôi đang tổng hợp ý kiến tại các địa phương kiến nghị thời gian tới cho người lao động"./.
Phương Thoa/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-len-ke-hoach-giam-lao-dong-1067243.vov