Triển vọng từ các mô hình kinh tế ở Vân An

Thứ 5, 01.07.2021 | 14:32:10
1,030 lượt xem

Những năm gần đây, UBND xã Vân An, huyện Chi Lăng tập trung tuyên truyền, định hướng cho bà con phát triển kinh tế từ các mô hình kinh tế có triển vọng. Nhờ đó, từng bước cải thiện đời sống của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Vân An là xã vùng III có 8 thôn với 856 hộ dân, trước đây người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp là chính. Do vậy, để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, UBND xã tập trung định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất.

Trước đây, kinh tế của gia đình bà Hoàng Thị Viền, thôn Bình Trung, xã Vân An vốn chỉ dựa vào 1 ao nuôi cá trắm, cá mè… nhưng nguồn lợi thu được không cao lại khó tiêu thụ. Năm 2019, được xã tuyên truyền phát triển kinh tế từ chăn nuôi vịt và tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn về mô hình nên bà mạnh dạn nuôi 3 lứa vịt mỗi năm, mỗi lứa 150 hoặc 200 con vịt. Bà Viền cho biết: Nuôi vịt không tốn nhiều công chăm sóc, lại tận dụng được thân chuối, rau… làm thức ăn chính nên tôi tiết kiệm được tiền mua cám chăn vịt. Sau hơn 2 tháng, vịt được thu mua tận nhà với giá 200 nghìn đồng/con, đem lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng/lứa, kinh tế gia đình dần ổn định hơn.

Người dân thôn Bình Trung, xã Vân An chăm sóc vườn chuối

Được biết, chăn nuôi vịt có ở xã từ lâu đời. Nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 30 đến 80 triệu đồng/hộ/năm nên xã vận động bà con phát triển mô hình này. Đặc biệt, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, xã triển khai mô hình cung cấp 2.250 con vịt giống và 1.800 kg cám chăn thẳng cho 18 gia đình với tổng kinh phí gần 60 triệu đồng. Hiện toàn xã có gần 20.000 con vịt. Vịt được nuôi ở hầu hết các hộ trong xã, trong đó, có hơn 20 hộ nuôi vịt với số lượng lớn để xuất bán. Từ mô hình này, nhiều hộ có mức thu nhập khá như: hộ anh Nguyễn Văn Trung (thôn Khòn Nạo), hộ anh Lường Văn Chú (thôn Hợp Nhất)… hằng năm xuất bán hàng nghìn con vịt, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh chăn nuôi vịt, xã còn có mô hình trồng sở bởi đây là cây trồng lâu năm của xã. Nhận thấy sở đem lại nguồn thu cho những gia đình trồng lâu năm có diện tích từ 1 ha trở lên đạt từ 50 đến 100 triệu đồng/năm nên nhiều hộ tích cực chăm sóc, trồng dặm cây con tại 8/8 thôn, nhiều nhất tại các thôn: Bình Trung, Tân Minh, Hợp Nhất… nâng tổng diện tích trồng sở toàn xã lên hơn 70 ha. Năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, xã thực hiện mô hình hỗ trợ giống sở cho 83 hộ với hơn 50.800 cây giống, trị giá gần 250 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Phớt, thôn Bình Trung, xã Vân An cho biết: Gia đình tôi có hơn 1ha sở cho thu hoạch hơn 1,2 tấn hạt mỗi năm, đem lại nguồn thu khoảng 80 triệu đồng/năm. Năm 2020, tôi được xã hỗ trợ 700 gốc cây sở, đến nay, cây phát triển tốt, tương đối đều, dự kiến 6 năm nữa sẽ cho thu hoạch.

Hai mô hình trên là những mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, xã còn phát triển các mô hình có triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng chuối (hơn 10 hộ trồng với tổng diện tích gần 2 ha, đem lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/vụ/hộ/); mô hình trồng thông, keo (với diện tích khoảng 800 ha, trong đó hơn 400 ha đang cho thu hoạch đem lại cho những hộ trồng lâu năm có nguồn thu nhập từ 40 đến hơn 100 triệu đồng/hộ/năm)…

Bà Đàng Thị Luyên, Chủ tịch UBND xã Vân An cho biết: Nhằm nâng cao đời sống của người dân, chúng tôi sử dụng hợp lý các nguồn vốn được phân bổ để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương. Đồng thời, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng mở 2 lớp dạy nghề và 3 hoặc 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 400 lượt người tham gia. Đặc biệt, mỗi năm, xã tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đơn cử năm 2020, xã phối hợp đưa hơn 80 lượt người thăm quan mô hình nuôi thỏ tại huyện Bắc Sơn. Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng cho bà con mở rộng quy mô, chất lượng các mô hình kinh tế có triển vọng và tiến tới xây dựng thêm mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, đời sống của người dân thay đổi rõ rệt. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 21 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi so với năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 15,76% (giảm 8,38% so với năm 2019).

LƯƠNG THẢO/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/432154-trien-vong-tu-cac-mo-hinh-kinh-te-o-van-an.html


  • Từ khóa