Vốn vay ưu đãi – “Đòn bẩy” giúp nông dân phát triển kinh tế

Thứ 4, 07.07.2021 | 14:27:58
1,153 lượt xem

Thời gian qua, xác định hỗ trợ vốn là một trong những giải pháp giúp đỡ hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế nên với vai trò là cầu nối, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã nhận ủy thác với ngân hàng cho hội viên vay vốn. Nhờ được sử dụng đúng mục đích nên nguồn vốn vay ưu đãi thực sự là “đòn bẩy” giúp HVND phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Gia đình ông Vũ Xuân Vững, thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để phát triển kinh tế. Ông Vững cho biết: Năm 2019, thông qua HND xã, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền đó, tôi đầu tư mua phân bón để chăm sóc gần 500 gốc na của gia đình và trồng dặm mới khoảng 300 cây na. Đến nay, vườn na phát triển tốt, sản lượng na cao hơn, đem lại nguồn thu hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

HVND xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện

Không riêng hộ ông Vững, thời gian qua, thông qua các cấp HND trên toàn tỉnh đã có nhiều hộ HVND được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Xác định việc hỗ trợ vốn cho HVND là giải pháp hữu hiệu giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, do vậy, những năm qua, các cấp HND toàn tỉnh phát huy tốt vai trò cầu nối, nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo đó, các cấp HND tích cực tuyên truyền, phổ biến đến HVND chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các chương trình ưu đãi để HVND nắm được. Đồng thời, từ năm 2020 đến nay, các cấp hội phối hợp tổ chức trên 500 cuộc tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn vay; chuyển giao khoa học kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn vốn… cho gần 30.000 lượt cán bộ, HVND. Đặc biệt, để nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, các cấp HND quán triệt các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thực hiện quy trình cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, thực hiện tốt việc bình xét cho vay và thẩm định về mục đích sử dụng vốn vay, khả năng hoàn trả vốn, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích hoặc phát sinh nợ quá hạn… Ngoài ra, hội còn thường xuyên phối hợp với các ngân hàng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên. Đơn cử như trong 6 tháng đầu năm 2021, các cấp HND phối hợp kiểm tra được 71 tổ TK&VV với gần 300 hộ vay… Qua đó cho thấy, các tổ TK&VV đều hoạt động đúng quy định của pháp luật; các hộ HVND sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi, gốc đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn.

Đến nay, các cấp HND toàn tỉnh nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 800 tỷ đồng/18.000 hộ vay, dư nợ với Ngân hàng NN&PTNT hơn 67 tỷ đồng/800 hộ vay. Từ nguồn vốn ưu đãi này, nhiều gia đình HVND có điều kiện thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế bằng những mô hình phù hợp với thực tiễn địa phương… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 còn 7,89% (giảm 3% so với năm 2019). Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả của hội viên nông dân như: hộ ông Lê Thế Tấn, thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, Huyện Hữu Lũng với mô hình chăn nuôi gà, trồng rừng thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Lãng, thôn Quán Bầu, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng với mô hình trồng bưởi, na đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm… Số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp không ngừng tăng qua các năm. Từ 2018 đến nay, toàn tỉnh có hơn 31.200 lượt HVND đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (tăng hơn 6.500 hộ so với giai đoạn 2013 – 2017).

LƯƠNG THẢO/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/433279-von-vay-uu-dai-don-bay-giup-nong-dan-phat-trien-kinh-te.html

  • Từ khóa