Lượng đặt hàng online và qua điện thoại tăng đột biến từ trước khi TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các siêu thị phải tăng cường nhân viên, nỗ lực rút ngắn tiến độ xử lý đơn hàng cho khách.
Chị Thùy Dung, ngụ quận 4, bức xúc vì đặt mua một số thực phẩm trên website của 1 siêu thị lớn gần nhà từ sáng ngày 6-7, đến nay đã 5 ngày vẫn chưa thấy siêu thị liên lạc xác nhận đơn hàng. "Chờ mãi mà họ không gọi lại, ngày 9-7 tôi vào website của hệ thống khác đặt hàng, đến giờ cũng chưa thấy giao. Sốt ruột, tôi chạy thẳng ra siêu thị xếp hàng mua" - chị Dung kể.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, rất nhiều người đặt hàng online, đặt hàng qua điện thoại, zalo... theo địa chỉ công bố của các hệ thống siêu thị, cửa hàng ở TP HCM rơi vào tình cảnh tương tự chị Dung. Đa số trường hợp phải đợi 3-4 ngày mới nhận được hàng và nhận không đủ số món đã đặt.
"Tôi đặt 1kg thịt đùi heo, 2 vỉ trứng vịt nhưng 2 ngày sau mới nhận được 1kg thịt ba rọi toàn mỡ và 1 vỉ trứng cút, đang lúc dịch căng thẳng nên có gì nhận nấy" - chị Mỹ Uyên, ngụ huyện Bình Chánh, chia sẻ trên facebook cá nhân như vậy.
Trao đổi với PV Báo Người Lao Động, đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn như Saigon Co.op (đang vận hành hệ thống siêu thị Co.op mart, cửa hàng Co.op Food), Bách Hóa Xanh, Satra (siêu thị Satra, cửa hàng Satra Foods), LOTTE Mart, Aeon... cho biết đơn đặt hàng online tăng đột biến trong hơn 1 tháng nay, gấp nhiều lần so với thời điểm chưa bùng dịch. Đặc biệt, 1 tuần trở lại đây, khi các quá nhiều chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối lần lượt đóng cửa, người tiêu dùng đổ dồn vào siêu thị, cửa hàng mua sắm lẫn đặt hàng online.
Nhân viên MM Mega Market soạn đơn hàng cho khách
"2 ngày nay, TP bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị, cửa hàng giảm dần nhưng đơn hàng online tiếp tục tăng thêm 15%- 20% mỗi ngày. Trung bình, mỗi ngày hệ thống chỉ có thể đáp ứng tối đa 150 - 200 đơn hàng nhưng luôn tiếp nhận đến 350-450 đơn, phục vụ không xuể" - đại diện 1 hệ thống siêu thị thông tin và tiết lộ chỉ riêng hệ thống này đang tồn đọng hàng trăm đơn hàng, mỗi đơn đều mua nhiều mặt hàng, trị giá hóa đơn vài triệu đồng trở lên.
Hiện các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực xử lý các đơn hàng còn nợ. Lượng khách mua sắm trực tiếp có xu hướng giảm, các điểm bán sẽ có nhiều thời gian hơn để "trả nợ" đơn hàng online.
"Từ ngày 9-7, chúng tôi huy động đội ngũ tiếp thị, bán hàng kênh nhà hàng, khách sạn hỗ trợ giải quyết các đơn hàng còn tồn. Trước đó đội ngũ nhân viên văn phòng cũng được tăng cường cho các siêu thị. Siêu thị đang có 2 nhóm xử lý đơn hàng: 1 nhóm xử lý đơn hàng cũ đang tồn, 1 nhóm tiếp nhận và xử lý đơn hàng mới phát sinh trong ngày, nỗ lực giao hàng đến tận tay khách trong thời gian sớm nhất có thể" - đại diện MM Mega Market cho biết.
Đơn hàng sau khi soạn sẵn được Co.opmart tập trung tại 1 khu vực để các shipper đi giao
Bách Hóa Xanh thì tăng cường nhân viên các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động sang hỗ trợ các cửa hàng Bách Hóa Xanh nhằm giảm tải cho cửa hàng trong thời gian sức mua tăng chóng mặt.
"Chúng tôi đã điều nhân sự từ công ty con qua để hỗ trợ nhập hàng, xuất hàng và giao hàng để đáp ứng tải đơn hàng, ưu tiên xử lý các đơn hàng còn tồn, song song đó là tuyển thêm nhân sự chính thức" - đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh thông tin.
Saigon Co.op cũng đã huy động một bộ phận nhân viên từ cửa hàng Co.op Smile, Cheers... sang xử lý đơn hàng cho siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.op Food.
"Chúng tôi đang cố gắng đáp ứng đầy đủ các đơn hàng cho khách, dù có thể sẽ chậm trễ tại 1 vài khu vực, mong khách hàng thông cảm" - đại diện Saigon Co.op nói.
Bài và ảnh: Thanh Nhân/nld.com.vn