Vietnam Airlines muốn lập hãng hàng không chở hàng

Thứ 4, 14.07.2021 | 14:54:50
803 lượt xem

Việc đẩy mạnh khai thác các chuyến bay vận chuyển hàng hoá trong đại dịch Covid-19 chính là bước tập dượt quan trọng để Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) hoàn thiện đề án xây dựng và hình thành hãng hàng không chở hàng đã được nghiên cứu từ 4-5 năm trước.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: Vietnam Airlines) 

Vận tải hàng hoá chiếm 30% tổng doanh thu

Sáng 14/7, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Một nội dung được cổ đông quan tâm là Vietnam Airlines sẽ đẩy nhanh chủ trương thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hoá, khi nhận thấy các điều kiện thị trường đã ở vào thời điểm thích hợp.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lớn đến cầu hành khách và hàng hoá của ngành hàng không thế giới, các hãng hàng không đều phải tổ chức lại sản xuất.

Vietnam Airlines đã chủ động điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Đó là tích cực tham gia chương trình vận chuyển đồng bào hồi hương; tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hoá, thiết bị vật tư, y tế; tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn thu và dòng tiền cho doanh nghiệp.

Với các giải pháp điều hành linh hoạt, doanh thu vận tải hàng hoá của Vietnam Airlines đã tăng trưởng rất mạnh. Ông Đặng Ngọc Hoà cho biết, trước đây, vận chuyển hàng hoá chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu của hãng. Nhưng cuối năm 2020 và sáu tháng đầu năm 2021, mảng doanh thu này đã có vị trí chủ đạo, chiếm gần 30%, đưa Vietnam Airlines trở thành hãng đứng đầu về thị phần vận tải hàng hoá nội địa và quốc tế.

Tất nhiên trong đó có nguyên nhân vì doanh số vận chuyển hành khách sụt giảm mạnh do tác động của hai đợt bùng phát dịch Covid-19 trong nước. Nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hoạt động đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hoá của Vietnam Airlines.

Hãng đã chuyển đổi công năng của 5 máy bay thân rộng Airbus 350 và 2 máy bay Airbus chở khách sang phục vụ chở hàng với toàn bộ ghế ngồi trong khoanh hành khách được tháo rời để lấy chỗ chất xếp hàng hoá.

Trước đây, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên điều máy bay vận tải khách sang chở hàng nhưng chỉ là chất xếp hàng hoá lên ghế ngồi nên chưa thể tăng công suất khai thác vận tải hàng hoá lên mức cao nhất.

“Sự thích ứng nhanh chóng này cùng với tốc độ tăng trưởng của doanh thu vận tải hàng hoá chính là tiền đề để Vietnam Airlines thành lập hãng hàng không chở hàng trong thời gian tới”, ông Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh.

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hãng hàng không này đã nghiên cứu khả năng thành lập hãng hàng không vận tải hàng hoá riêng biệt từ 4-5 năm trước.

Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng của thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không đều chưa chín muồi. Như quy mô đội máy bay vận chuyển hàng, chân hàng (bao gồm nguồn hàng từ quốc tế vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các thị trường quốc tế) đều chưa đủ lớn.

Cùng với đó là khả năng giữ nguồn hàng trong quá trình khai thác có sự cạnh tranh với các hãng đi trước. Các đánh giá nói trên đã học hỏi kinh nghiệm từ các hãng hàng không có đội máy bay chở hàng lớn trong khu vực như Korean Airlines và China Airlines.

Tại thời điểm đó, Vietnam Airlines đánh giá việc lập hãng hàng không chở hàng chưa đem lại hiệu quả nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động ngành hàng không đã có nhiều sự thay đổi. Việc thúc đẩy khai thác thị trường vận tải hàng hoá từ năm 2020 đến nay chính là bước tập dượt quan trọng cho khối hàng hoá của hãng trong việc chuẩn bị hoàn thiện đề án xây dựng và hình thành hãng hàng không chở hàng.

Vietnam Airlines muốn lập hãng hàng không chở hàng -0

Sáu tháng đầu năm 2021, doanh thu từ vận tải chiếm gần 30% trong tổng doanh thu của Vietnam Airlines. (Ảnh: Vietnam Airlines)

Quý 3/2021 hoàn tất tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng

Tại đại hội, các cổ đông đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng, gồm kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, báo cáo tài chính năm 2020, phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, phương án kiện toàn hội đồng quản trị và Ban kiểm sát, chủ trương bán 6 máy bay ATR 72 để thay thế bằng đội máy bay phản lực khu vực.

Liên quan đến gói hỗ trợ của Chính phủ, đại hội đã biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng, dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất từ cuối quý 3/2021.

Trên cơ sở đó, Vietnam Airlines làm việc với Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, các công ty phát hành để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại về gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn, các khoản nợ vay của các nhà cung ứng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê máy bay. Một phần sẽ dành bổ sung vốn lưu động của Vietnam Airlines để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Dự báo thị trường hàng không năm 2021 tiếp tục khó khăn. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp và các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân dự kiến giúp Vietnam Airlines tiết giảm khoảng 6.800 tỷ đồng.

Hãng cũng xây dựng các kịch bản điều hành theo sát diễn biến thị trường, đặt niềm tin vào chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn của Chính phủ sẽ giúp ngành hàng không phát triển trở lại vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay.

Thị trường quốc tế chiếm 65% doanh thu của Vietnam Airlines nhưng năm 2021 chỉ đạt lại 1%. Hãng hàng không này đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành triển khai “hộ chiếu vaccine” để thận trọng từng bước mở lại đường bay quốc tế khi các thị trường bên ngoài đang phục hồi.


Tô Hà/dantri.com.vn

http://langsontv.vn/news/468/26079/thong-bao-ve-viec-het-han-nhan-phieu-dang-ky-tuyen-dung-vien-chuc-su-nghiep-nam-2021

  • Từ khóa