Doanh nghiệp nông nghiệp đang cần được "tiếp sức"

Thứ 5, 15.07.2021 | 08:41:59
1,043 lượt xem

Ở Nghệ An ngày càng xuất hiện nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đó phần lớn có quy mô nhỏ và rất cần sự hỗ trợ, “tiếp sức” từ địa phương, nhất là trong tình hình phức tạp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các mô hình hiệu quả

Bắt đầu từ năm 2016, chị Đặng Thị Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) An An Agri đã tận dụng lợi thế vùng trồng rau tại quê nhà huyện Diễn Châu, để nghiên cứu ra dòng sản phẩm mì sợi Anpaso làm từ rau, củ, quả theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sau nhiều năm tạo dựng, mì Anpaso với các dòng sản phẩm làm từ mầm lúa mạch, củ cải đỏ, sâm cát, nghệ, mè đen được người tiêu dùng đón nhận... Anpaso là thương hiệu mì rau củ theo tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc miền Trung. Với việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất-chế biến-tiêu thụ, mì rau củ Anpaso bước đầu đã khẳng định được hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất của Công ty CP An An Agri cũng gặp khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác. Đặc biệt là khi tháng 6 vừa qua, trên địa bàn huyện Diễn Châu đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 lây lan trong cộng đồng phức tạp, là doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, Công ty CP An An Agri đã nghiêm túc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Ngoài thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế, Công ty CP An An Agri còn bố trí công nhân làm việc, ăn uống theo ca, theo kíp... 

Doanh nghiệp nông nghiệp đang cần được
Sản xuất mì rau củ Anpaso tại Công ty Cổ phần An An Agri (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ảnh: AN AN 

Anh Cao Minh Long, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Lộc Châu (xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã tận dụng những kiến thức được đào tạo về quê lập nghiệp với mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Nhận thấy tiềm năng đang có ở Nghệ An như nhân lực nông nhàn, nguồn phế thải nông nghiệp, khí hậu phù hợp với trồng nấm, anh Long đã đầu tư một cơ sở sản xuất nấm công nghệ cao cung ứng cho thị trường và hướng đến sản phẩm cao cấp để xuất khẩu. Sản phẩm nấm của công ty anh được bán tại hơn 20 tỉnh, thành trong nước. Hiện nay, công ty của anh đang xúc tiến để chuyển giao công nghệ, với dây chuyền sấy để chế biến và xuất khẩu. Là một doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 10 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được Công ty TNHH Nấm Lộc Châu quan tâm. Lao động ở công ty chủ yếu là phụ nữ nông nhàn, ít tiếp xúc với thông tin đại chúng nên anh Long kiêm luôn "tuyên truyền viên" về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng tránh cho công nhân. 

Còn tại huyện Nam Đàn, mô hình sản xuất và chế biến các sản phẩm từ chanh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến Chanh Nam Kim cũng là một ví dụ tiêu biểu cho doanh nghiệp nông nghiệp tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Người dân Nam Kim có truyền thống trồng chanh lâu đời nhưng lợi nhuận từ trồng chanh còn thấp. Có thời điểm, giá chanh ở Nam Kim rớt thảm chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Anh Đặng Văn Hóa, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến Chanh Nam Kim, liên kết với bà con trong vùng trồng và chế biến chanh không hạt. Từ một cơ sở thu mua chanh tươi sạch, anh Đặng Văn Hóa đã phát triển vùng nguyên liệu, hướng đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm chanh toàn huyện Nam Đàn để chế biến tinh một số sản phẩm về chanh phục vụ tiêu dùng trong nước, định hướng xuất khẩu... Hiện nay, HTX được đối tác Nhật Bản tin tưởng ký hợp đồng hợp tác trong việc phát triển thương hiệu, bao tiêu sản phẩm. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX đã dùng chính những sản phẩm như nước rửa tay từ chanh, tinh dầu lá chanh, sả chanh cấp phát cho công nhân và thường xuyên khử khuẩn nơi làm việc. 

Doanh nghiệp cần đất, vốn và chính sách

Mặc dù có lợi thế về đất đai thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi nhưng hiện nay, diện tích canh tác nông nghiệp của Nghệ An vẫn thuộc diện manh mún, nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn. Ví dụ như Công ty CP An An Agri hiện đang gặp khó khăn trong việc thuê đất để sản xuất nông nghiệp. Từ khi khởi nghiệp đến nay, để có được vùng trồng rau nguyên liệu cho chế biến, Công ty CP An An Agri đã phải chật vật trong việc thuê đất. Chị Đặng Thị Tâm chia sẻ: “Đất để trồng rau nguyên liệu cũng như xưởng sản xuất được thuê hằng năm khiến doanh nghiệp e ngại trong việc đầu tư dài hạn. Trong giai đoạn 2, công ty chúng tôi cần đến 50ha đất để phát triển nhưng hiện nay rất khó để có đủ diện tích mở rộng...”.

Doanh nghiệp nông nghiệp đang cần được
Sản xuất và chế biến chanh tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến Chanh Nam Kim (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ảnh: THANH TÂM 

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp nông nghiệp đó là tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã có, tuy vậy, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận bởi đặc thù vốn ít và chưa có tài sản thế chấp. Anh Cao Minh Long cho biết: “Cơ sở sản xuất của tôi đã có đầu ra rồi nhưng vẫn chưa huy động được nguồn vốn lớn để xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường và xuất khẩu. Chủ trương của Nhà nước ưu đãi về nguồn vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp đã có nhưng doanh nghiệp nhỏ và lẻ rất khó tiếp cận. Ví như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... đã nhiều lần chúng tôi mang hồ sơ đến ngân hàng để vay vốn theo nguồn chính sách nhưng hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu nên đành phải vay vốn thương mại”.

Hiện nay, 98% doanh nghiệp nông nghiệp ở Nghệ An là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư cho khoa học và công nghệ của họ còn thấp. Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, hơn 90% doanh nghiệp nông nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu. Trong số các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ, số nhãn hiệu gắn với sản phẩm chưa nhiều, chỉ chiếm 66%. Trong đó, đối tượng được bảo hộ chỉ có khoảng 30% nhãn hiệu được các doanh nghiệp tổ chức khai thác và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Anh Đặng Văn Hóa kiến nghị: “Chúng tôi muốn ký kết chuyển giao công nghệ với một số công ty tư nhân nhưng kinh phí chuyển giao lớn nên rất khó khăn. Mong sao, Nhà nước tạo điều kiện, quan tâm hơn đến lĩnh vực chuyển giao công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa".

Định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Nghệ An những năm tới là ưu tiên đầu tư chuỗi giá trị một số sản phẩm chiến lược của tỉnh, nhất là nông nghiệp, dược liệu, vì vậy, địa phương cần sớm giải quyết những vướng mắc về quy hoạch vùng nguyên liệu, tích tụ ruộng đất; cắt giảm các thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ để kịp thời "tiếp sức" cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

HOÀNG HOA LÊ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-nong-nghiep-dang-can-duoc-tiep-suc-665384


  • Từ khóa