Ngành dệt may khó khăn vì lực lượng lao động đông, việc ăn ở tại chỗ rất khó. Phần lớn doanh nghiệp phải tạm dừng để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Ngày 15/7, các nhà máy tại TPHCM của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã tạm dừng hoạt động. Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng chia sẻ doanh nghiệp không thể xoay xở kịp trong một ngày từ lúc TPHCM ban hành công văn yêu cầu điều kiện "3 tại chỗ" gồm làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ để tiếp tục sản xuất.
Ông Tùng cho hay công ty đang nỗ lực bố trí chỗ ăn ở, phòng vệ sinh, tắm rửa cho người lao động tại nhà máy. Doanh nghiệp phải mất ít nhất 2-3 ngày chuẩn bị những khâu trên để có thể sản xuất trở lại sau khi đáp ứng các quy định về phòng dịch, được cơ quan y tế thẩm định.
Dừng sản xuất để đảm bảo an toàn
"Những nhà máy ít người có thể xoay xở được nhưng ngành dệt may có số lượng lao động rất lớn nên không thể bố trí ăn ở tập trung chỉ trong một ngày. Khi hoạt động lại, cũng chỉ có tối đa 50% công nhân có thể làm việc so với bình thường", ông Tùng nói với Dân trí.
Chủ tịch Thành Công chia sẻ may mắn khi hầu hết người lao động đều muốn tiếp tục làm việc, cùng công ty vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giãn cách và các điều kiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp chỉ có thể bố trí tối đa 50% lực lượng lao động, muốn nhiều hơn cũng không thể.
Với những công nhân còn lại không thể đi làm do chỉ có 50% lực lượng sản xuất ở lại nhà máy, doanh nghiệp vẫn cố gắng trả lương để hỗ trợ người lao động. Ông Tùng cho hay với chỉ 50% công nhân làm việc, hoạt động chắc chắn bị ảnh hưởng nhưng phải chấp nhận, không còn lựa chọn khác. Doanh nghiệp sẽ tính toán tiến độ giao hàng, đơn hàng nào cần ưu tiên, đơn hàng nào có thể hoãn.
Người đứng đầu doanh nghiệp dệt may này cho rằng việc quan trọng nhất hiện tại là phòng chống dịch, tuân thủ quy định. Doanh nghiệp chấp nhận hy sinh doanh thu, lợi nhuận để cùng thành phố chống dịch.
Doanh nghiệp dệt may có số lượng công nhân lớn nên bài toán ăn ở tại chỗ khó giải quyết trong thời gian ngắn (Ảnh: TCM).
"Thật sự, việc duy trì hoạt động không chắc có lợi nhuận hay sẽ bị lỗ. Nhưng chúng tôi phải duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp muốn được chia sẻ, hỗ trợ gián tiếp, trực tiếp của TPHCM để vượt qua khó khăn", ông Tùng nói.
Với 50% công nhân làm việc tại các nhà máy, Thành Công phải chi trả tiền xét nghiệm cho khoảng 2.000 người mỗi tuần. Đây là khoản chi phí rất lớn, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phải lo ăn 3 bữa, mua sắm trang thiết bị để công nhân ở lại sinh hoạt tại nhà máy.
"Doanh nghiệp mệt mỏi lắm, đặc biệt lĩnh vực nhiều lao động như dệt may, da giày rất khốn đốn mùa dịch, chỉ mong dịch bệnh qua đi", ông Tùng tâm sự.
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng chưa thống kê cụ thể nhưng thông tin chỉ số ít doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục sản xuất từ ngày 15/7 trong điều kiện công nhân phải ăn ở tại chỗ. Còn phần lớn nhà máy tạm dừng hoạt động.
"Ngành dệt may khó khăn vì lực lượng lao động đông, việc ăn ở tại chỗ rất khó. Phần lớn doanh nghiệp phải tạm dừng để đảm bảo an toàn cho người lao động, nuôi hy vọng dịch bệnh sẽ thuyên giảm trong thời gian ngắn sắp tới. Chỉ một vài doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sắp xếp được để sản xuất nhưng cũng giới hạn, khoảng 1/3 lực lượng vì không đủ chỗ ở", ông Hồng thông tin.
Về thiệt hại do gián đoạn sản xuất, ông Hồng lạc quan cho rằng phần lớn doanh nghiệp dệt may có các đối tác truyền thống lâu năm nên nhiều khách hàng có thể sẵn sàng chia sẻ khó khăn, thông cảm việc chậm giao hàng. Ngược lại, nếu chưa đảm bảo tất cả điều kiện an toàn y tế nhưng tiếp tục sản xuất, doanh nghiệp có thể chịu nhiều thiệt hại hơn nữa.
"An toàn là trên hết. Việc chúng tôi quan tâm nhất là TPHCM hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may đông lao động hoàn tất tiêm chủng vắc xin nhanh chóng", ông Hồng chia sẻ.
Doanh nghiệp mong muốn sớm hoàn tất việc tiêm vắc xin cho công nhân (Ảnh: Hải Long).
Làm tiếp chưa biết hiệu quả nhưng vì công nhân
Với doanh nghiệp đã bố trí cho người lao động ở lại nhà máy, hoạt động vận hành cũng đối diện nhiều khó khăn.
Tổng giám đốc Công ty Sản xuất Nệm Liên Á Lâm Ngọc Minh cho biết nhà máy của doanh nghiệp tại quận Bình Tân và tỉnh Long An đều đã sắp xếp ổn định, thực hiện phương châm "3 tại chỗ" nên không gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng 50% nhân lực có thể ở lại nhà máy.
Một số công nhân vì lý do cá nhân như chăm sóc gia đình, con cái không thể ăn ở tập trung nên tạm thời nghỉ ở nhà. Công ty vẫn chi trả 70% lương để hỗ trợ nhóm người lao động này.
"Nhà máy hoạt động chủ yếu cầm chừng, công ty ưu tiên sản xuất đơn hàng gấp để xuất khẩu. TPHCM và nhiều tỉnh xung quanh áp dụng Chỉ thị 16, các đại lý bán hàng không mở cửa nên cũng không buôn bán được", ông Minh nói với Dân trí.
CEO Liên Á nhấn mạnh về hiệu quả tài chính, việc duy trì sản xuất trong tình hình này chưa chắc đã tối ưu hơn tạm dừng hoạt động. Lý do là doanh nghiệp đang phải gánh chịu chi phí vận hành rất cao.
"Công ty vẫn trả đủ lương, lo ăn 3 bữa cho công nhân, bổ sung vitamin, sữa giúp họ tăng sức đề kháng. Ngoài ra, chúng tôi phải trang bị cả thuốc men, nước súc miệng, khẩu trang, vật dụng bảo hộ để đảm bảo an toàn. Nhân viên không được đi đâu, phải tuân thủ 5K, giữ khoảng cách nên rất căng thẳng. Công ty cố gắng tặng quà, giúp họ thoải mái hơn, yên tâm làm việc", ông Minh nói.
Trong khi đó, doanh số bán hàng lại đang rất khó khăn, chi phí logistics, vận tải bị đội lên cao, doanh nghiệp lại không thể tăng giá bán. Một gánh nặng khác là việc xét nghiệm hàng tuần cho tất cả lao động với chi phí 300.000 - 400.000 đồng/người.
"Mục đích của việc duy trì sản xuất là tạo công ăn việc làm cho công nhân. Hiện tại ai cũng khó khăn. Doanh nghiệp mong có thể được giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng tháng để có 2-3 tháng xoay sở, tập trung lo cho người lao động có thu nhập để họ sống được", CEO Lâm Ngọc Minh chia sẻ.
Việt Đức/dantri.com.vn