Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, các hợp tác xã (HTX) đã tích cực liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó, đem lại hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã trồng các loại cây ăn quả để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất yếu nên tình trạng được mùa mất giá diễn ra thường xuyên. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2016, HTX Phượng Hoàng được thành lập và liên kết với 18 hộ thành viên HTX thực hiện sản xuất với gần 15 ha cây ăn quả (10 ha bưởi, 4,5 ha na). Ông Dương Ngọc Đại, Giám đốc HTX cho biết: Ngay khi thành lập, HTX đã chủ động nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm bằng cách phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, mẫu mã đẹp hơn, giá cả, thị trường tiêu thụ ổn định. Năm 2020, HTX thu mua và tiêu thụ được 100 tấn quả, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.
Đại diện HTX nông sản Tuấn Vũ, huyện Tràng Định thu mua nông sản của người dân (ảnh chụp truớc ngày 27/4/2021). Ảnh: Kim Huyên
Tương tự HTX Phượng Hoàng, HTX Sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng (huyện Hữu Lũng), được thành lập năm 2015 cũng thực hiện liên kết với 76 hộ dân trồng măng Bát độ. Theo đó, HTX cung ứng giống măng, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng cho bà con với diện tích 27 ha. Trung bình 1 năm, HTX thu mua trên 20 tấn măng Bát độ. Việc liên kết này góp phần đảm bảo thị trường ổn định cho người dân trồng măng trên địa bàn và đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu chế biến cho HTX. Năm 2020, doanh thu HTX đạt 560 triệu đồng, tăng 140 triệu đồng so với năm 2019.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất có hiệu quả. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai các chương trình tạo điều kiện cho các HTX phát triển. Cụ thể như: từ năm 2015 đến nay, sở đã tổ chức được 60 lớp tuyên truyền hướng dẫn thành lập mới HTX với 2.704 lượt người tham dự là các tổ chức, cá nhân, sáng lập viên có nhu cầu thành lập HTX. Bên cạnh đó, giai đoạn 2015 – 2020, sở tổ chức 40 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX với 1.454 người tham gia, góp phần nâng cao trình độ cho Ban quản trị, thành viên HTX trong việc quản lý, xây dựng phương án và tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX nông sản huyện Chi Lăng cho biết: Để nâng cao hiệu quả liên kết giữa HTX với người dân, việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân đóng vai trò rất quan trọng. Ngay từ những ngày đầu thành lập HTX (năm 2018), Ban Giám đốc HTX đã chủ động tìm hiểu thị trường cả trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ các mặt hàng nông sản của huyện Chi Lăng cũng như một số huyện khác trên địa bàn tỉnh. Do chịu khó tìm tòi, kết nối qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đến nay, thị trường tiêu thụ nông sản của HTX trải dài khắp cả nước, trong đó, phổ biến là tiêu thụ ở các chợ đầu mối nông sản, siêu thị ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng như xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Có thị trường, HTX đã chủ động liên kết để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ cho bà con nông dân khoảng 100 tấn na; vụ ớt năm 2021, HTX đã tiêu thụ cho bà con 1.700 tấn ớt tươi…
Thành viên HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát chăm sóc măng tây
Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, Sở NN&PTNT, các huyện, thành phố đã chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ các HTX, người dân thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, sở chỉ đạo đơn vị trực thuộc xây dựng 30 mô hình với 28 HTX, 4 tổ hợp tác tham gia các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm….Từ đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 36 HTX thực hiện có hiệu quả việc liên kết với hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng như: HTX Sản xuất – kinh doanh tổng hợp Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn) liên kết sản xuất thu mua gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn với các hộ dân và thành viên HTX với diện tích 30 ha; HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh, HTX Nông lâm nghiệp Cai Kinh (huyện Hữu Lũng) ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân, thành viên HTX với các doanh nghiệp với tổng diện tích sản xuất trên 40 ha… Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất của HTX mà còn góp phần tạo đầu ra ổn định cho người dân. Năm 2020, doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn tỉnh đạt trên 500 triệu đồng/HTX, tăng 50 triệu đồng/HTX so với năm 2018.
Ông Hoàng Văn Sự, thôn Kép 1, xã Quyết Thắng (huyện Hữu Lũng) tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX Sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 1.000 gốc măng, trước đây, chưa có sự liên kết với HTX, tôi phải đợi thương lái đến mua, giá cả bấp bênh. Năm 2017, có sự liên kết với HTX, sản phẩm được bán ra với giá ổn định hơn, người dân chúng tôi rất phấn khởi, mỗi năm tôi bán khoảng 3 tấn măng cho HTX, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả liên kết sản xuất của các HTX, ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết: Việc thực hiện liên kết sản xuất của các HTX góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, thu hút mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản xuất lên 1,2 -1,5 lần so với sản xuất đại trà. Thông qua liên kết, tạo tiền đề cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý, thay đổi tập quán sản xuất, tiêu thụ tự phát sang sản xuất hàng hóa cho nông dân, gắn kết cộng đồng.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo bộ phận chuyên môn hướng dẫn, lồng ghép, huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó lựa chọn các chuỗi xây dựng phải có quy mô đủ lớn, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với hình thức liên kết chặt chẽ, có sự rằng buộc pháp lý giữa các bên tham gia.
HỒ DUNG - ĐÌNH QUYẾT/baolangson.vn