Thường cái gì mua nhiều, dùng nhiều sẽ được khuyến mãi, giảm giá, nhưng với nuôi tôm thì ngược lại và diễn ra theo cách bất hợp lý: Mua càng nhiều người nông dân càng phải chịu mức giá cao.
70% giá thành định đoạt ở khâu trung gian
Vấn đề nói trên được ông Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) nêu lên trong phiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (25/7).
Theo phân tích của ông Thái, thông thường giá trị kinh tế một chuỗi ngành hàng được phân phối hợp lí cho tất cả các bên tham gia, nhưng trong nuôi tôm lại đang trong tình trạng "thân ai nấy lo".
Khi giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, các nhà sản xuất hàng hóa phục vụ ngành tôm lập tức tăng giá, còn người dân nuôi tôm không thể tự tăng giá bán ra, bởi giá bán tôm phải nhất quyết tuân theo quy luật thị trường tại thời điểm thu hoạch.
"Hiện có hơn 80% người nông dân ở Bạc Liêu phải chấp nhận việc mua vật tư ngành tôm theo phương thức mua trả chậm, vì không có vốn để mua trả trước, đáng nói có tới 70% giá thành nằm trong chi phí thỏa thuận giai đoạn này.
Nếu như thức ăn và vật tư ngành tôm được đưa tới tận tay người nông dân không thông qua đại lý thì giá thành tôm giảm được 20% và làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, người nông dân sẽ thu lợi cao hơn. Tuy nhiên, đó là điều không thể" - ông Thái thông tin.
Ông Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu).
Vị đại biểu đoàn Bạc Liêu dẫn lời người nông dân nuôi tôm cho biết, thường cái gì mình mua nhiều, dùng nhiều thì sẽ được khuyến mãi, mua giảm giá, nhưng với nuôi tôm thì ngược lại và diễn ra theo cách bất hợp lý, bởi mua hàng hóa ngành tôm càng nhiều thì người nông dân càng phải chịu mức giá cao.
"Người nông dân nuôi tôm biết nhưng vẫn phải chấp nhận mua, vì nếu không mua vật tư thông qua đại lý theo phương thức mua chịu thì người nông dân nuôi tôm không biết lấy hàng ở đâu, nhà sản xuất không cho người nông dân nuôi tôm mua vật tư trực tiếp" - ông Thái nói.
Covid-19 "quật ngã" doanh nghiệp
Tại phiên thảo luận, ông Vũ Tiến Lộc (đại biểu đoàn Hà Nội) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn gian nan nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu kép, bước đầu đã đạt được những kết quả. Chính phủ đã chỉ đạo về phát triển kinh tế vĩ mô ngay trong bối cảnh khó khăn.
"Tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng, thực trạng kinh tế đầu quý III xấu hơn dự báo rất nhiều, vì vậy phải hết sức cẩn trọng" - ông Lộc bày tỏ sự lo lắng và cho rằng trong nền kinh tế đang có sự phân hóa giữa các khu vực kinh tế, khi khối kinh tế đối ngoại đang phục hồi và tăng trưởng tích cực thì khu vực kinh tế nội địa lại trầm lắng do sức mua giảm mạnh.
Vị đại biểu này cũng đề cập tới tăng trưởng ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng, dịch vụ và cho rằng đây là khu vực "tử huyệt" của nền kinh tế nhưng đang có diễn biến xấu.
"Khu vực dịch vụ, các doanh nghiệp du lịch, hàng không đang chết dần chết mòn và có nguy cơ không vực dậy được. Điều này rất nguy hiểm" - ông Lộc đánh giá.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và kiên trì việc thực hiện "mục tiêu kép".
Dự báo về áp lực tăng trưởng trong năm nay rất khó khăn, ông Lộc cho rằng không nên chạy theo các con số tăng trưởng mà mục tiêu quan trọng nhất là chặn được dịch bệnh, tiêm vắc xin cho toàn dân.
"Tôi nghĩ rằng nên áp dụng hộ chiếu càng sớm càng tốt, ở đây không phải hộ chiếu vắc xin cho du lịch, khách quốc tế mà là hộ chiếu vắc xin cho toàn dân Việt Nam" - ông Lộc kiến nghị.
Châu Như Quỳnh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bat-cap-nganh-tom-mua-cang-nhieu-gia-cang-dat-20210725095305703.htm