Thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Báo Lạng Sơn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ngày 15/7/2021, từ tháng 7/2021, Báo Lạng Sơn triển khai chuyên mục “Doanh nghiệp – Doanh nhân Xứ Lạng” trên trang 4 số báo thứ 6 cuối tháng với các nội dung: tuyên truyền, nêu gương, cổ vũ, động viên doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và tuyên truyền về các hoạt động tiêu biểu của Hiệp
Trong những năm qua, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Qua đó, đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, mở rộng sản xuất kinh doanh. Không những vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã có nhiều biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi vay; giảm lãi suất… để hỗ trợ doanh nghiệp.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Lạng Sơn
Là doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nguồn vốn tín dụng rất quan trọng đối với Công ty Cổ phần Thương mại Long Thịnh (thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn). Ông Nguyễn Xuân Hậu, Giám đốc Công ty cho biết: Trong quá trình tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, công ty được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện. Tại đây, cán bộ ngân hàng rất chuyên nghiệp, có trình độ, nhiệt tình hướng dẫn về thủ tục, tư vấn về các gói tín dụng… Nhờ tiếp cận được các nguồn tín dụng, công ty duy trì được dòng vốn để đảm bảo hoạt động, sản xuất liên tục, không bị ngừng trệ.
Không chỉ riêng Công ty Cổ phần Thương mại Long Thịnh, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã được Agribank Lạng Sơn tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay để duy trì, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối tháng 7/2021, có 264 doanh nghiệp còn dư nợ tại chi nhánh với dư nợ trên 3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 29% tổng dư nợ trong toàn chi nhánh.
Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay, chi nhánh còn chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức như: miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 45 doanh nghiệp được Agribank Lạng Sơn giảm lãi vay với dư nợ gần 500 tỷ đồng và 17 doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ hơn 200 tỷ đồng. Hiện nay, chi nhánh đang rà soát các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tiếp tục có các hình thức hỗ trợ kịp thời.
Ngoài Agribank Lạng Sơn, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp, chính sách tín dụng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay…
Cùng với đó, triển khai quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của doanh nghiệp; tổ chức đối thoại, tiếp nhận ý kiến và giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 1.265 doanh nghiệp đang có quan hệ vay vốn với ngân hàng với tổng dư nợ trên 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,5% dư nợ toàn địa bàn.
Không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, từ năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng trên địa bàn đã liên tục điều chỉnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, từ năm 2020 đến nay, có 314 doanh nghiệp, hợp tác xã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi vay; hạ lãi suất với tổng dư nợ được hỗ trợ trên 3,3 nghìn tỷ đồng.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong điều kiện bình thường, sự hỗ trợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp đã là rất quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh, các giải pháp hỗ trợ này càng quan trọng hơn, điều đó góp phần để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển. Với vai trò của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; tiếp nhận những ý kiến phản ánh, những khó khăn, vướng mắc… tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để cùng phối hợp, giải quyết kịp thời.
Tính đến cuối tháng 7/2021, toàn tỉnh có hơn 3,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 29 nghìn tỷ đồng. Mặc dù quy mô doanh nghiệp còn nhỏ và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có hệ thống ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
VŨ NHƯ PHONG/baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/438589-khoi-thong-nguon-von-dong-hanh-vuot-kho.html