Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM Phan Văn Mãi cho biết quan điểm trên tại Chương trình Café doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức qua hình thức trực tuyến ngày 31/7.
Chương trình Café doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức qua hình thức trực tuyến ngày 31/7 Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Doanh nghiệp đang hoạt động, phải cứu đến cùng
Điểm qua về tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp (DN), PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nêu con số cả nước có 39.400 DN giải thể, trên 40.000 DN tạm ngưng hoạt động. Riêng TPHCM có trên 2.800 DN đã giải thể và 11.500 DN ngưng hoạt động.
Trước diễn biến của dịch bệnh lần này, ông Ngân cho rằng thực hiện giãn cách, cách ly, phong toả là những giải pháp bắt buộc nhưng chỉ là tạm thời khi chưa có miễn dịch cộng đồng. Bởi vì giải pháp này nếu sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý cho chủ DN và người lao động.
Cho nên ông Ngân cho rằng đi liền với giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan là những vấn đề an sinh xã hội. Chúng ta đã có giải pháp cụ thể bảo vệ sực khoẻ nhân dân, xác định mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhưng không cứu DN thì rất nguy hại.
Về hỗ trợ DN nên phân tầng để có các giải pháp tương thích chứ không dồn tất cả chung một giải pháp, sẽ không phù hợp và không hiệu quả. Phân tầng theo ba dạng: DN đã giải thể, phá sản; DN tạm ngưng hoạt động; DN đang hoạt động.
“Những DN đang hoạt động thì phải cứu đến cùng bằng nhiều giải pháp. Các DN này đang chịu chấp nhận hoạt động trong điều kiện lỗ, chấp nhận hi sinh để duy trì hoạt động thì phải có gói giải pháp riêng”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Để hỗ trợ cho DN cần hai loại vaccine. Thứ nhất là vaccine ngừa COVID-19. Ông Ngân đề nghị vẫn là nguồn vaccine của Nhà nước nhưng hệ thống tiêm mở rộng ra các bệnh viện tư nhân. Trong khi hệ thống cơ sở y tế phường, xã thì tiêm cho người cao tuổi, tiêm cho người có bệnh nền. Việc phân tuyến tiêm vaccine như vậy để lực lượng còn lại tập trung vào công tác điều trị.
Loại vaccine thứ hai cho DN là các hình thức hỗ trợ, như thông qua hình thức miễn, giảm thuế, phí kể cả phí bảo hiểm xã hội. Trong khi liên quan đến nợ vay thì Ngân hàng Trung ương phải có chính sách cụ thể giãn, giảm, khoanh lại các khoản nợ trong thời điểm này. Xác định những nguồn tiền nào để lại cho DN để tạo cho DN có tính thanh khoản chứ không cần nộp hoặc gia hạn.
Xác định điểm rơi chống dịch để có chiến lược mở cửa sớm
TS. Vũ Thành Tự Anh, Tổ trưởng Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM, cho rằng nên quán triệt chống dịch để sản xuất kinh doanh và duy trì sản xuất kinh doanh để đủ nguồn lực chống dịch lâu dài. Đấy là tinh thần của mục tiêu kép.
TS Vũ Thành Tự Anh cho biết, trong cách nhìn của Tổ tư vấn có hai công cụ rất quan trọng: Điều trị bảo vệ sinh mạng, giảm ca chuyển nặng và giải pháp đẩy nhanh tiêm vaccine. Đến cuối năm nay, TPHCM sẽ tiêm đủ 2 mũi cho 70% người dân. Sở dĩ Thành phố đặt ra mục tiêu này vì tính toán tới điểm rơi của chống dịch. Bởi TPHCM đang cạnh tranh với các đô thị xung quanh như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, với Jakata. Khi điểm rơi chống dịch của chúng ta chậm hơn, tức là mở cửa chậm hơn họ thì đây sẽ là thiệt thòi vô cùng lớn cho TPHCM và cả nước.
Do vậy, lúc này ngoài các chính sách dịch tễ cần quan tâm chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo vệ và hỗ trợ DN, chính sách truyền thông, phối hợp với các sở ban, ngành và các địa phương trong vùng vì dịch không có tính chất cục bộ.
Bảo vệ người lao động dù tạm ngưng hoạt động
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định TPHCM đang ở trong cuộc chiến trên hai mặt trận. Thứ nhất là bảo vệ an toàn, sức khoẻ cho người dân thành phố. Mặt trận thứ hai cũng hết sức cấp bách và khẩn thiết là duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất và đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Ông Hoan chia sẻ lúc này nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Trong tình hình hiện nay từng DN phải ý thức được việc giữ gìn bảo vệ sự an toàn cho mình, xây dựng phương án sản xuất an toàn trong từng dây chuyền, từng ca, kíp, thậm chí từng người lao động. Có như vậy mới bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho DN. Ông Hoan nhắn nhủ, điều này không thể chỉ dừng ở việc xây dựng bộ tiêu chí an toàn mà phải tiếp tục triển khai thực hiện, phải có giải pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, kiên trì.
“Chúng ta lơi lỏng thì sự an toàn cho DN không được bảo đảm”. Ông Hoan nhấn mạnh và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng DN vì tình trạng sản xuất hiện nay không còn liền mạch khi nhiều lao động nghỉ việc, nhiều công đoạn, phân xưởng phải ngừng lại.
Để bảo đảm sau khi kiểm soát dịch bệnh, hoạt động DN trở lại bình thường thì điều cần thiết là bảo vệ người lao động, họ có quay trở lại hay không. Ngay cả DN tạm ngưng hoạt động cũng cần có giải pháp động viên, chăm sóc đội ngũ người lao động của mình, đặc biệt là những nhân viên nhiễm COVID-19. Việc này cũng là sự chuẩn bị cho sự khôi phục sau khi dịch bệnh qua đi.
Rà soát, hoàn thành tiêm vaccine cho người lao động trước 15/8
Ông Võ Văn Hoan mong các DN tích cực góp ý về những cơ chế chính sách có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh như vấn đề lưu thông hàng hoá, chính sách thuế, tài chính…
Hiện nay Chính phủ và TPHCM đang có những giải pháp hỗ trợ nhưng có thể chưa bao quát hết những khó khăn của DN.
TPHCM xác định ba nhóm việc nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN và việc này cần những hiến kế từ DN. Thứ hai, TPHCM sẽ tiếp tục một số chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động của các DN. Do vậy cần sự hợp tác của chủ doanh nghiệp. Đó là phối hợp hoàn thiện hồ sơ thủ tục để người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hưởng chính sách hỗ trợ.
Thứ ba, cố gắng giải quyết bài toán tiêm vaccine phòng COVID-19. TPHCM đang triển khai đợt tiêm thứ 5, trên quan điểm vaccine đến với từng người dân một cách công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhất. Ngoài nguồn hỗ trợ của Chính phủ, TPHCM chủ động vận động thêm nhiều nguồn cung vaccine cho người dân thành phố. Phấn đấu trong tháng 8/2021 đạt 70% người từ 18 tuổi được tiêm vaccine. Và người cư trú trên địa bàn TPHCM đều được tiêm.
Việc tiêm vaccine cho người lao động ở các DN sẽ có nhiều phương thức. Tiêm tập trung theo các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc trực tiếp tại các DN đang hoạt động theo yêu cầu “ba tại chỗ” hoặc “hai địa điểm - một cung đường”. Còn lại sẽ tiêm theo địa bàn cư trú, đây sẽ là phương thức phổ biến.
Do vậy các DN nhanh chóng lập danh sách phân loại người đã tiêm và chưa tiêm để rà soát lại, đến 15/8 sẽ hoàn thành việc tiêm cho người lao động của các DN.
Không gò bó trong hai phương thức sản xuất an toàn
Ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của Hiệp hội, các chuyên gia, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi đề nghị HUBA tổng hợp cáo cáo về UBND Thành phố và sẽ là một đầu mối tiếp nhận những hiến kế cho TPHCM chống dịch và phục hồi kinh tế cùng với Tổ tư vấn của UBND Thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ và đeo bám vấn đề hình thành một kế hoạch bảo đảm cho cộng đồng doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất trong điều kiện có dịch và lâu dài về sau.
Về sản xuất an toàn, cho đến nay các DN đang triển khai 2 phương thức sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, từ thực tiễn của DN có thể còn những phương thức khác phù hợp hơn. Do vậy ông Mãi nêu quan điểm không nên gò bó vào 2 phương thức này.
“Nếu như từng loại hình DN có phương thức bảo đảm sản xuất an toàn thì có thể đề xuất. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố sẽ chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện cùng với ngành chức năng thẩm định và vận hành theo phương thức đó”. Ông Mãi nói, hơn ai hết, DN cũng muốn an toàn sản xuất cho DN mình. Khi DN an toàn thì phòng chống dịch của Thành phố cũng an toàn.
“Dù phương thức nào thì đều dựa trên những nguyên tắc làm sao thực sự giảm tiếp xúc, giảm lây nhiễm, giảm ổ dịch để chăm lo đời sống, sức khỏe về vật chất, tinh thần cho người lao động. Về lâu dài, chúng tôi đang đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu triển khai mô hình nhà ở cho công nhân của Singapore”. Ông Mãi nói việc này nhằm làm giảm mật độ dân cư, giãn dân ở những khu nhà trọ. Mặc dù là những mô hình dã chiến nhưng ông Mãi nói phải bảo đảm tiêu chuẩn vì điều kiện ăn ở quyết định sức khoẻ và năng suất lao động của công nhân.
Băng Tâm/baochinhphu.vn