Nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nhìn từ ngành dệt may

Thứ 3, 03.08.2021 | 14:44:10
839 lượt xem

Mọi nỗ lực giữ nhịp sản xuất công nghiệp đang trở nên khó khăn khi sáng kiến “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, vốn đã rất thành công tại Bắc Giang và Bắc Ninh nhưng lại chưa đủ sức tạo ra những “vùng xanh” trong tâm dịch Covid-19 ở các tỉnh phía nam.

(Ảnh minh họa: Hiệp hội Dệt may Việt Nam)

Áp lực lớn đang đè nặng lên doanh nghiệp, đòi hỏi các cấp quản lý phải thực sự chia sẻ và linh hoạt trong các giải pháp điều hành để tìm lối ra cho sản xuất, lưu thông.

Xuất khẩu dệt may có thể chỉ đạt 32-33 tỷ USD

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy do thiếu sự điều hành thống nhất của các địa phương trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.

Về sản xuất, quy mô của doanh nghiệp may rất lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng lo chỗ ăn, ở, ngủ cho cả nghìn người lao động nên chỉ có thể vận hành “ba sản xuất” cho các bộ phận cần thiết để không mất đơn hàng cho mùa vụ tới.

Doanh nghiệp sợi, dệt thì có thể vận hành theo mô hình này vì số lượng lao động ít hơn.

Việc thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" cũng gặp nhiều khó khăn vì 19 tỉnh phía nam đang thực hiện cấp độ phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi điểm đến đều phải đi qua các trạm kiểm soát dịch Covid-19 trong khi không có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất của các địa phương về yêu cầu đối với người lao động qua chốt.

Do đó, từ tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II với lượng đơn hàng đã ký đến hết năm và quý I/2022, doanh nghiệp dệt may lâm vào tình cảnh không thể sản xuất được. Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10 đến 15% công suất.

May mặc là mặt hàng thời trang, không ai muốn nhận sản phẩm khi thời vụ đã qua nên nhiều doanh nghiệp bị đối tác thúc ép giao hàng bằng máy bay, phát sinh chi phí rất lớn.

Doanh nghiệp phía nam phải xoay sở gửi đơn hàng cho doanh nghiệp phía bắc sản xuất hộ nhưng lại không vận chuyển được nguyên, phụ liệu và cán bộ kỹ thuật ra vì khó “thông chốt” qua nhiều địa phương.

Hơn nữa, chi phí vận tải tăng rất cao. Các doanh nghiệp cho biết, chi phí vận tải đã tăng khoảng 4 lần kể từ khi các địa phương nâng cấp độ phòng, chống dịch. Đã có những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa. Đã có những đơn hàng dịch chuyển sang nước thứ ba.

“Chưa thể dự đoán được gì về tình hình cuối năm, còn tháng 8 thì đã thấy rất khó khăn rồi. Với giả thiết tình hình dịch bệnh được kiểm soát ngay từ tháng 8 để khôi phục sản xuất, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm cũng chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 39 tỷ USD đặt ra. Hầu như không doanh nghiệp dệt may nào dám nghĩ đến khả năng sản xuất kinh doanh hiệu quả trong năm 2021 này", ông Vũ Đức Giang nói.

Không chỉ dừng ở sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mối lo lắng của doanh nghiệp dệt may là, nhận thấy khả năng sản xuất không ổn định ở Việt Nam, đối tác sẽ dịch chuyển đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất trong những năm tiếp theo.

Mối lo hiện hữu khác là những ngày vừa qua, nhiều lao động từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã ồ ạt về quê tránh dịch.

Đến khi vận hành sản xuất trở lại, ngành dệt may chỉ có thể “gọi” lại được 60% trong số đó, nên chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động trong thời gian tới.

Tiến độ vaccine quyết định sự phục hồi kinh tế

Bên cạnh những vấn đề thường trực như đề xuất giảm thuế, giảm lãi vay ngân hàng…, Hiệp hội Dệt may đề xuất Chính phủ đánh giá thực trạng của các khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách ưu tiên tiêm chủng vaccine.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 62% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nằm ở các nhà máy thuộc khu vực phía nam. Nhưng hiện nay chỉ có TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine cho công nhân của doanh nghiệp dệt may trong các khu công nghiệp.

18 tỉnh còn lại trong số 19 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 chưa tiêm hoặc tiêm rất ít. Do đó, tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may rất thấp.

“Chính phủ sớm đưa ra giải pháp tiêm vaccine cho người lao động trong các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ vì những ngành này đóng góp tỷ trọng lớn vào xuất khẩu”, ông Vũ Đức Giang kiến nghị.

Trước đó, bốn hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu.

Các hiệp hội này đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ một tập đoàn của UAE nhưng việc doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập khẩu vaccine là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục.

Do đó cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với nhà cung cấp hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam đủ điều kiện triển khai thủ tục, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội tiêm chủng cho người lao động tại nhà máy. Mọi chi phí sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Đây là yêu cầu cấp thiết vì hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phía nam đều phải chấp nhận dừng sản xuất làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam.

Chỉ đẩy nhanh tiêm chủng vaccin cho người dân nói chung và công nhân lao động nói riêng mới bảo đảm mở cửa sản xuất.

Đây cũng là khuyến cáo của các tổ chức nghiên cứu kinh tế. Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam cuối năm 2021, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học kinh tế quốc dân nhấn mạnh đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Theo ông Phạm Thế Anh, với sự lan nhanh của biến chủng Delta, muốn phát triển kinh tế, Việt Nam phải kiểm soát được dịch bệnh. Cần nhanh chóng đạt được tốc độ tiêm chủng diện rộng, vấn đề này liên quan đến cả nguồn cung vaccine và việc triển khai tiêm vaccine đã có.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói rằng, một trong những ứng phó khẩn cấp nhất hiện nay đối với Việt Nam là vaccine. Bao gồm bố trí nguồn vốn, giải ngân nhanh mua vaccine và tổ chức tiêm cho người dân.

TÔ HÀ/nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhan-dinh/nguy-co-dut-chuoi-cung-ung-nhin-tu-nganh-det-may-658098/

  • Từ khóa