Hội Hoan: Người dân tăng thu từ trồng thạch đen

Thứ 6, 06.08.2021 | 14:22:15
811 lượt xem

Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thạch đen đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng đã chuyển đổi đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng thạch. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đến thôn Cốc Lào, xã Hội Hoan vào một ngày cuối tháng 7/2021, chúng tôi ấn tượng bởi hình ảnh hầu như nhà nào cũng chất đầy ắp những bó thạch đen. Chỉ tay về kho thạch đen của gia đình, anh Nông Văn Quân, thôn Cốc Lào phấn khởi: Gia đình tôi trồng thạch từ nhiều năm nay, tuy nhiên, trước đây chỉ trồng tại những chân ruộng cao với diện tích 2 đến 3 sào mỗi năm. Hai năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi chuyển đổi hết diện tích ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thạch. Vụ xuân năm 2021, gia đình tôi trồng trên 1,3 mẫu, thu hoạch được khoảng 2,5 tấn thạch khô, với giá bán trung bình từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg thạch ruộng, từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg thạch nương, gia đình tôi thu về từ 60 đến 80 triệu đồng.

Người dân xã Hội Hoan kiểm tra chất lượng cây thạch đen trước khi xuất bán

Ông Hoàng Văn Khao, Trưởng thôn Cốc Lào cho biết: Trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu là từ chăn nuôi và trồng rừng. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp là trồng lúa, ngô nhưng năng suất thấp do thiếu nước. Cây thạch đen chỉ được trồng trên những diện tích khô cằn, không thể gieo cấy. Nhận thấy giá trị kinh tế cao, vài năm trở lại đây, người dân chú trọng trồng thạch ruộng. Toàn thôn hiện có 81 hộ thì có đến 60 hộ trồng thạch đen với tổng diện tích trên 15 ha. Hộ trồng ít thì 4 đến 5 sào, hộ trồng nhiều thì trồng từ 1 đến 1,5 mẫu.

Người dân trồng thạch cho biết, cây thạch đen được trồng trên địa bàn xã từ 20 đến 30 năm trước, tuy nhiên, diện tích nhỏ lẻ, chưa trồng tập trung. Từ năm 2019, nhận thấy hiệu quả kinh tế, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng tại nhiều thôn trên địa bàn xã. Đến nay, thạch đen được trồng tại 12/16 thôn của xã,  tập trung nhiều nhất ở các thôn: Cốc Lào, Bản Hép và Nà Van. Vụ xuân năm 2021, toàn xã trồng được trên 30 ha (tăng gần 20 ha so với năm 2018), sản lượng  đạt trên 200 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần 6 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng, năm 2021, toàn huyện trồng được trên 65 ha thạch đen tại 14/16 xã của huyện. Trong đó, Hội Hoan là một trong những xã trồng thạch đen lâu năm và có diện tích lớn nhất (30 ha), chiếm gần 1/2 diện tích thạch đen toàn huyện. Với giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, cây thạch đen đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Bà Hoàng Thị Lan, thôn Bản Hép cho biết: Thạch đen là cây khá dễ trồng, dễ sống, tuy mất nhiều công chăm sóc, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng lúa, ngô.  Ngoài ra, sản phẩm được thương lái đến thu mua tận nhà với giá ổn định nên người dân yên tâm sản xuất. Vụ xuân vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch được gần 1,5 tấn thạch khô,  đang được thương lái trả giá 30.000/kg nhưng tôi chưa bán để đợi giá cao hơn.

Theo người dân, để cây thạch đen sinh trưởng tốt, trong quá trình trồng cần đảm bảo lên luống cao, thoát nước tốt, thường xuyên xới gốc. Thạch bắt đầu cho thu hoạch từ giữa tháng 7, năng suất đạt 2,5 đến 3,5 tạ/sào thạch khô tùy thổ nhưỡng và điều kiện chăm sóc. Bên cạnh sự chủ động của người dân, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch đen. Từ đầu năm 2020 đến nay, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 3 lớp tập huấn cho 250 lượt người tham gia.

Ông Hoàng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Hoan cho biết: Thạch đen tuy không phải là cây trồng mới nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại, đây chính là cây trồng giúp người dân địa phương có thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, góp phần giúp người dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng thạch đen, nâng diện tích toàn xã đến hết năm 2022 lên 80 ha. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng, phối hợp tổ chức thêm các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây thạch đen trên địa bàn.

Từ trồng thạch đen, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thêm thu nhập từ 30 đến 80 triệu đồng/vụ, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã. Cụ thể đến nay, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm, tăng trên 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 43,3% năm 2018 xuống còn 17,2% năm 2020.

LIỄU CHANG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/439932-hoi-hoan-nguoi-dan-tang-thu-tu-trong-thach-den.html

  • Từ khóa