Là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng đến nay, “hồng không hạt Bảo Lâm” gần như đã mai một tại chính “cái nôi” sinh ra nó – xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc.
Khoảng 10 năm trở về trước, khắp xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc là hàng ngàn cây hồng với đủ độ tuổi (có cây hàng trăm năm), sai trĩu. Bấy giờ, toàn xã có hơn 100 ha trồng hồng, mỗi cây cho thu hoạch từ 80 đến 100 kg/vụ, quả hồng to, trung bình 13 quả được 1 kg, với giá bán thấp nhất cũng 20.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn cho người dân trên địa bàn.
Ấy vậy mà giờ đây, toàn xã chỉ còn khoảng 10 ha hồng cho thu hoạch, mỗi cây chỉ thu được khoảng 5 đến 10 kg, chất lượng quả cũng giảm sút, trung bình 20 quả mới được 1 kg. Ông Nông Văn Bến, thôn Còn Kéo ngậm ngùi: “Trước đây, nhà tôi trồng hơn 300 cây hồng, ươm hàng vạn cây giống bán cho bà con mấy xã quanh đây. Thế mà giờ chỉ còn khoảng 100 cây, chủ yếu là trồng mới, giống cũng không ươm được nữa vì thoái hóa. Ba năm nay, gia đình không buồn hái bán vì ít quá, chỉ để ăn trong nhà và chia cho mấy đứa nhỏ trong thôn”.
Người dân xã Bảo Lâm chán nản bên cây hồng không hạt phải chằng, chống hồi tháng 3 thì giờ đã rụng gần hết quả
Qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết: từ năm 2014 trở lại đây, hồng không hạt Bảo Lâm chịu sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh như: mọt đục thân, sâu đục cuống, thán thư… Cùng đó, hồng được trồng manh mún, trồng tạp giao trong rừng cùng với các loại cây khác nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc. Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn cây ngắn ngày để canh tác thay cho cây hồng phải nhiều năm mới bói quả; người dân địa phương đi lao động tại Trung Quốc và các khu công nghiệp nên thiếu lực lượng lao động… cũng là những nguyên nhân khiến cho hồng không hạt trên địa bàn xã ngày cảng giảm về cả diện tích, sản lượng và chất lượng.
Để gìn giữ, phục hồi hồng không hạt, từ năm 2017, UBND huyện Cao Lộc phê duyệt dự án cải tạo, phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững giai đoạn 2017 – 2021. Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Quy trình chăm sóc cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được thống nhất theo 4 giai đoạn phù hợp với sinh trưởng của cây, từ sau thu hoạch cho đến khi quả chín. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con về quy trình này dưới nhiều hình thức như: qua các buổi tập huấn, tham quan học tập mô hình, cử cán bộ đến “cầm tay chỉ việc”… và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng kế hoạch. Hiện cả huyện có trên 400 ha trồng hồng không hạt, thực tế cho thấy các mô hình áp dụng đúng theo quy trình trên thì đều cho kết quả khả quan, cây khỏe, sai quả và ít bị bệnh. Tại Bảo Lâm, dự án được triển khai trên 13 ha với 117 hộ tham gia, song do bà con vẫn quen lối canh tác cũ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật và làm theo đúng toàn bộ quy trình đã đưa ra khiến nhiều cây không đảm bảo chất lượng, sản lượng như mong đợi.
Đã 3 năm nay, lượng hồng không hạt từ xã Bảo Lâm tiêu thụ ra thị trường không lớn. Trước nguy cơ mất dần thương hiệu tại chính cái nôi sản sinh ra giống hồng thơm ngon này, ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng người dân theo dõi trên diện tích trồng phục tráng, tuyên truyền, tập huấn, vận động người dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây; phối hợp cùng Phòng NN&PTNT huyện tìm các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh. Đặc biệt, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các xã đang triển khai tốt mô hình trồng hồng không hạt như: Hòa Cư, Thạch Đạn, Hải Yến để đưa về áp dụng tại địa phương…
Hơn 10 năm qua, giá hồng không hạt Bảo Lâm luôn ở mức trên 20.000 đồng/ kg, cao điểm lên tới 40.000 đồng, cho thấy đây là loại cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Song muốn thu được nguồn lợi này, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Bảo Lâm cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc, phục hồi cây hồng, phát huy thương hiệu vốn có từ lâu nay
ĐẶNG DŨNG/baolangson.vn