Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo thắng lợi vụ mùa

Thứ 3, 24.08.2021 | 14:50:10
884 lượt xem

Thời điểm này, các cây trồng vụ mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển mạnh. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, một số cây trồng đã xuất hiện sâu bệnh hại. Trước thực tế đó, cơ quan chuyên môn và người dân đã và đang chủ động triển khai các biên pháp phòng trừ.

Ông Hoàng Văn Công, thôn Nà Tềnh, xã Hoàng Việt cho biết: Vụ mùa năm nay,  gia đình tôi cấy 5 sào lúa và trồng 4 sào ngô, hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Sau khi gieo trồng xong, tôi thường xuyên quan sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh; bón phân để cây sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, trên cây lúa xuất hiện ốc bươu vàng, cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu mật độ trung bình, gia đình tôi đã kịp thời phun thuốc diệt trừ sâu hại và thường xuyên theo dõi.

Người dân xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng phòng trừ sâu hại ngô

Hiện nay, trên các cánh đồng của huyện Văn Lãng, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc lúa, ngô vụ mùa. Theo quan sát cho thấy, trên các cánh đồng của huyện chủ yếu xuất hiện sâu bệnh rầy nâu, sâu đục thân trên lúa và sâu keo mùa thu ở cây ngô, diện tích nhiễm nhẹ. Ông Nông Hồng Bộ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo trồng khoảng 2.500 ha, trong đó, lúa 2.000 ha. Thời điểm này, mặc dù sâu bệnh hại chỉ ở mức độ nhẹ nhưng đã xuất hiện ở hầu hết các xã. Vì vậy, chúng tôi đã gửi thông báo đề nghị UBND các xã chỉ đạo khuyến nông viên tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn người dân cách phòng trừ, theo dõi sâu bệnh, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Nhờ đó, các loại sâu bệnh hại mới chớm đã được phòng trừ.

Không chỉ ở Văn Lãng, trên cây trồng vụ mùa tại các huyện cũng đã xuất hiện sâu bệnh gây hại. Tại huyện Tràng Định xuất hiện một số sâu bệnh như: vàng lá nghẹt rễ, sâu đục thân, rầy các loại… với mật độ trung bình. Theo đánh giá của TTDVNN huyện, các loại sâu bệnh này có nguy cơ gây hại cao, nếu không kịp thời diệt trừ sẽ phát triển rất nhanh. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Ngoài cử khuyến nông viên tăng cường điều tra phát hiện sâu bệnh, khuyến cáo người dân, trung tâm còn triển khai các nhóm trên ứng dụng Zalo để trao đổi thông tin, cập nhật tình hình sâu bệnh hại hằng ngày để cùng UBND các xã, khuyến nông viên đưa ra các biện pháp kịp thời.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo trồng gần 40.700 ha. Trong đó, cơ cấu cây trồng chủ yếu là: lúa (31.842 ha), ngô (5.498 ha), rau các loại (810 ha), thạch đen (2.548 ha)… Theo kết quả điều tra dịch hại cây trồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, trên các loại cây trồng đã xuất hiện các loại sâu bệnh: ốc bươu vàng, diện tích gây hại 117 ha và cần phòng trừ 117 ha; sâu đục thân hai chấm (diện tích nhiễm 2 ha, cần phòng trừ 2 ha); rầy các loại (diện tích nhiễm gần 10 ha, diện tích cần phòng trừ 10 ha); bệnh đạo ôn lá, bệnh vàng lá (diện tích nhiễm 3,5 ha và cần phòng trừ); sâu keo mùa thu (diện tích bị 3,5 ha, trong ngưỡng cần phòng trừ) phân bố ở hầu hết các huyện.

Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Mặc dù tình hình sâu bệnh hại có mật độ, tỷ lệ giảm so với cùng kỳ năm 2020, diện tích phân bố hẹp, tỷ lệ gây hại ở mức độ thấp nhưng để đảm sản xuất vụ hè thu thắng lợi, chi cục đã yêu cầu TTDVNN các huyện, thành phố không được lơ là mà chủ động điều tra sâu bệnh hại; thường xuyên, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ những diện tích bị nhiễm sâu bệnh hại và cách chăm sóc cây trồng. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại và sinh trưởng của cây trồng để chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó với các biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu và phòng trừ sinh vật hại cây trồng có hiệu quả.

Từ sự chủ động trên đây, hiện nay, các loại sâu bệnh cơ bản được phòng trừ. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, sâu bệnh hại như: rầy các loại, bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại, các đối tượng sâu năn, sâu đục thân hai chấm, bệnh vàng lá sinh lý phát sinh, phát triển tăng về mật độ và tỷ lệ gây hại… Vì vậy,  cơ quan chức năng khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn

HỒ DUNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/443846-chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-dam-bao-thang-loi-vu-mua.html


  • Từ khóa