Cần quan tâm công tác bảo quản thiết bị vận chuyển na

Thứ 6, 27.08.2021 | 14:41:32
519 lượt xem

Vào vụ thu hoạch na, rất nhiều hộ dân sử dụng hệ thống máy tời tự chế để vận chuyển na từ khu vực núi đá xuống điểm thu gom. Mặc dù thuận tiện, nhưng trong những năm qua, không ít trường hợp đã xảy ra sự cố trong khi thu hoạch do các thiết bị chưa đảm bảo an toàn.

Theo nhiều người trồng na, loại cây ăn quả này được trồng tại các khu vực núi đá của huyện Chi Lăng và Hữu Lũng từ những năm thập niên 80 thế kỷ trước. Do việc vận chuyển khó khăn, một số hộ dân đã sáng tạo, sử dụng các dụng cụ như: mô-tơ; xích xe máy; dây cáp, dây thép và ròng rọc để chế tạo hệ thống máy tời vận chuyển na. Qua đó, việc thu hoạch dễ dàng hơn rất nhiều. Trải qua nhiều năm, hình thức vận chuyển này ngày càng lan rộng, được nhiều hộ trồng na áp dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, cách vận chuyển như trên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Quan sát dọc theo tuyến quốc lộ 1A từ thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) đến hết địa phận xã Hòa Lạc (huyện Hữu Lũng), có trên 30 điểm ven đường được người dân dùng để bố trí các máy tời vận chuyển na. Qua trao đổi trực tiếp với 3 người dân trồng na tại thôn Rừng Cấm, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, các hộ này cho biết, họ đều đã từng gặp phải sự cố khi vận chuyển na bằng máy tời tự chế.


Người dân xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng vận chuyển na bằng máy tời tự chế

Anh Nguyễn Văn Nam là một trong số đó. Anh Nam cho biết: Gia đình tôi hiện có khoảng 400 cây na đã cho thu hoạch được trồng men theo các sườn núi đá. Cách đây không lâu, trong một lần vận chuyển na từ đỉnh núi xuống ven đường, dây cáp đã đứt khiến gần 60 kg na rơi từ trên độ cao 20 mét xuống và dập nát toàn bộ. May mắn là không có thiệt hại về người.

Tình trạng trên cũng xảy ra với nhiều hộ trồng na tại huyện Chi Lăng. Anh Nguyễn Hữu Toại, người trồng na tại thôn Giáp Thượng 2, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng cho biết: Trung bình, chúng tôi vận chuyển từ 40 đến 65 kg na mỗi lượt chạy tời. Đối với các hộ trồng na trên núi đá như gia đình tôi, việc máy tời đứt cáp hoặc thùng đựng na trật khỏi cáp khiến na rơi từ trên cao xuống là việc không hiếm. Mùa thu hoạch nào tôi cũng gặp phải 1 hoặc 2 trường hợp như vậy. Thông thường, mỗi máy tời có từ 3 đến 5 hộ dùng chung, nếu chẳng may đứt cáp thì cũng phải tốn đến 10 triệu đồng để thay dây.

Trên đây chỉ là 2 trong số các hộ trồng na gặp sự cố với máy tời tự chế mà chúng tôi tìm hiểu được trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Trong quá trình sử dụng máy tời vận chuyển na, rất nhiều hộ trồng na đã gặp phải các sự cố như: đứt cáp, đứt dây thép, đứt xích, tuột ốc vít, thùng vận chuyển na bị trật khỏi dây thép; quần, áo mắc vào máy trong lúc vận chuyển…

Qua tìm hiểu, được biết, tình trạng trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu đến từ việc bảo quản thường xuyên các thiết bị của máy tời chưa được tốt. Nhiều hộ sau khi thu hoạch na xong thường không quan tâm đến việc bảo quản các thiết vị tời, bỏ mặc các cấu kiện bị han rỉ, bào mòn vì phơi mưa, phơi nắng trong thời gian dài. Ngoài ra, tại các điểm đặt máy tời trên cao, một số hộ sử dụng cọc gỗ để làm chân đỡ, gia cố cho máy tời. Tuy nhiên, không ít cọc gỗ đã sử dụng nhiều năm nhưng chưa được thay thế. Những điều này đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cũng như gây thiệt hại về kinh tế cho người dân khi thu hoạch na.

Theo tìm hiểu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, hoạt động trên của người dân là tự phát và chưa có sự quan tâm đúng mực từ các cấp, ngành cũng như chính quyền cơ sở. Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, chưa có bất kỳ thống kê nào về số lượng các máy tời tự chế của các hộ trồng na cũng như các đơn vị chưa ghi nhận trường hợp sự cố nào xảy ra do người dân sử dụng máy tời tự chế. Vì vậy, trong thời gian qua, các đơn vị cũng chưa có cơ sở để đưa ra các giải pháp để hỗ trợ bà con khắc phục, hạn chế các sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế trên đòi hỏi trong thời gian tới, các đơn vị cần có giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn các cấu kiện đảm bảo an toàn cũng như quy trình bảo dưỡng, bảo quản các thiết bị. Từ đó, đảm bảo an toàn cho người dân trong vụ thu hoạch na những năm tiếp theo.

Máy tời tự chế là sản phẩm từ sự sáng tạo trong lao động sản xuất của người dân trồng na. Nhờ có thiết bị này mà việc vận chuyển na tại các khu vực núi cao, địa hình hiểm trở đã dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bởi tính chất tự phát, để tự đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như hạn chế sự cố đáng tiếc từ việc sử dụng máy tời tự chế, các hộ trồng na cần chú trọng hơn đến công tác bảo dưỡng, bảo quản, tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.

GIA KHÁNH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/444631-can-quan-tam-cong-tac-bao-quan-thiet-bi-van-chuyen-na.html

  • Từ khóa