Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) những năm qua được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) đã tích cực tham gia vào chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Cuối tháng 3/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình xây dựng NTM tại xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng. Sau chuyến thăm, các DN thuộc Hiệp hội đã trao tặng gần 30 triệu đồng (gồm tiền mặt và hiện vật) để xã kịp thời xây dựng, cải tạo phân trường Nà Nhì. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ 2 tỉ đồng cho xã trong thời gian xã phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm 2023.
Người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia tham gia làm đường giao thông nông thôn (ảnh chụp trước 27/4/2021)
Ông Linh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Tính đến tháng 3/2021, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM và phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt 13/19 tiêu chí. Sự quan tâm, hỗ trợ của HHDN và các DN tỉnh không chỉ là vật chất, mà còn là nguồn động viên lớn cho cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân xã nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm nay và các năm tiếp theo.
Xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng chỉ là một trong rất nhiều địa phương nhận được sự hỗ trợ của các DN trên địa bàn tỉnh trong quá trình xây dựng NTM. Thông tin từ Văn phòng điều phối xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, nguồn lực huy động từ các DN trên địa bàn tỉnh đạt trên 800 tỷ đồng. Một số đơn vị có đóng góp tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn; Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển Cửa Đông; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Lạng Sơn…
Việc triển khai huy động nguồn lực của các DN được UBND tỉnh và các huyện đặc biệt quan tâm. Đơn cử như năm 2019, UBND tỉnh tổ chức phát động thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ và phát động ủng hộ làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng NTM. Chỉ sau chưa đầy một tháng phát động, các doanh nghiệp đã ủng hộ trên 14 tỷ đồng. Hằng năm, UBND các huyện cũng phát động, kêu gọi sự hỗ trợ của DN chung sức xây dựng NTM và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình dưới nhiều hình thức.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Tuy số lượng các DN trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, quy mô cũng chưa thực sự lớn, nhưng sự ủng hộ, hỗ trợ của các DN cho việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh không hề nhỏ và dưới nhiều hình thức như: bằng tiền mặt, hỗ trợ máy móc, các công trình phúc lợi xã hội, nhà ở, công thiết kế các hạng mục công trình,… tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, kích thích được tinh thần xây dựng NTM của người dân địa phương để đạt được các mục tiêu đề ra.
Cùng với những đóng góp trực quan, dễ thấy về mặt vật chất thì các DN còn đóng góp rất lớn cho các hoạt động sản xuất như: chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả; bao tiêu sản phẩm; tích cực xây dựng và phát triển chuỗi giá trị, khai thác hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Qua đó, đã và đang góp phần rất lớn vào việc thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn.
Ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý cho biết: Hiện nay, công ty thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 300 hộ dân tại hầu hết các xã trồng thạch đen của huyện Tràng Định. Chúng tôi đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện hướng dẫn bà con chăm sóc thạch đen đúng quy trình. Từ đó, ngày càng nâng cao được giá trị cho sản phẩm thạch đen, mở rộng được thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Cùng với đó, mỗi năm công ty cũng đóng góp từ 10 đến 30 triệu đồng cho các chương trình xây dựng NTM, xây nhà tình nghĩa, xoá đói giảm nghèo… của huyện, với mong muốn đời sống bà con vùng nông thôn ngày một đi lên.
Không những vậy, mỗi năm, cộng đồng DN tỉnh thường xuyên thực hiện những hoạt động từ thiện, giúp đỡ cho người nghèo, người khuyết tật; các ngân hàng cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản về thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn. Đến nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt gần 27 triệu đồng/ người/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 25,95% năm 2015 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020) xuống còn 7,89% năm 2020…
Từ sự chung sức của cộng đồng DN, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, đạt được những kết quả lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 78/181 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ 43,09%
ĐẶNG DŨNG/baolangson.vn