Liên quan đến vụ bắt đường dây khai thác than trái phép, đến tối 27/8, Cục Quản lý thị trường Hải Dương vẫn trong quá trình kiểm tra tại các bãi than để kiểm kê số lượng.
Số lượng than vi phạm rất lớn.
Như Dân trí đã đưa tin, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 đối tượng về tội "vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Căn cứ kết quả điều tra, lực lượng chức năng xác định Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Theo Tổng cục quản lý thị trường, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp cùng đơn vị này, tiến hành kiểm tra các kho, bãi chứa than không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Trong 6 ngày thực hiện kiểm tra tại đây (19/8 - 24/8) với hàng trăm kiểm soát viên, chiến sỹ thuộc lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an kinh tế, cảnh sát cơ động đã ghi nhận hàng chục nghìn tấn than nằm ngoài hóa đơn hợp pháp được xuất trình.
Do số lượng lớn, đến chiều tối ngày 27/8, lực lượng quản lý thị trường Hải Dương vẫn trong quá trình kiểm tra tại các bãi than nhằm xác định số lượng vi phạm.
Trước đó, cập nhật đến chiều tối ngày 24/8, lực lượng chức năng mới kiểm tra và có kết quả sơ bộ của 15 trong số 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mỗi bãi than nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy, đường đi lại khó khăn, nằm ở xa khu dân cư. Tại mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh.
Số lượng vi phạm rất lớn, thời gian xác định kéo dài.
12 đối tượng vừa bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm: Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty CP Yên Phước; Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, đều lao động tự do, cùng ở phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Hà Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương; Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Ngô Đăng Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Ngụy Quang Thuyên, nhân viên Công ty CP Yên Phước; Doãn Thị Định, nhân viên kế toán Công ty CP Yên Phước; Bùi Hữu Thương, Quản lý bãi than tại Mỏ đá Núi Voi của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Bùi Hữu Khoa, Quản lý khai thác than của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty CP Yên Phước; Nguyễn Tuấn Anh, kinh doanh vận tải.
Trong đó, Bùi Hữu Giang - người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương từng được biết đến là một "đại gia" đất mỏ có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản than hơn chục năm nay. Bị can này có cơ ngơi đồ sộ với căn biệt phủ hoành tráng tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều cùng nhiều xe sang.
Giang cùng cây lan Ngọc Sơn cước được bán với giá 250 tỷ đồng (Ảnh: Vietnamnet).
Đầu năm nay, anh em Bùi Hữu Giang nổi tiếng trên cộng đồng mạng với thương vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên đến 250 tỷ đồng. Giang cùng một số anh em đầu tư số tiền lớn để xây dựng vườn lan var Đất Mỏ (lan đột biến) vào đầu năm 2020 tại khu Cổ Giản, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều.
Gần đây Bùi Hữu Giang gây xôn xao giới chơi lan và truyền thông vì tổ chức giao dịch lan đột biến giữa nhà vườn tại Mạo Khê, Quảng Ninh với nhà vườn tại Hải Phòng. Số tiền 250 tỷ đồng được cho là đã chi trả cho 2 nhánh gốc, 4 mầm của lan đột biến 5 cánh trắng "Ngọc Sơn Cước" dài 1,1 m và có tất cả 48 lá.
Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn