Phát triển mô hình sản xuất ở Hữu Lũng: Góp phần nâng cao đời sống người dân

Thứ 4, 01.09.2021 | 09:22:55
1,148 lượt xem

Trong những năm qua, huyện Hữu Lũng đã tập trung phát triển các mô hình sản xuất, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Những ngày cuối tháng 8/2021, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Hồ Văn Sỹ, thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành. Ấn tượng nhất với chúng tôi là ngôi nhà mới 2 tầng khang trang, rộng rãi đầy đủ tiện nghi của gia đình anh. Được biết, đây là thành quả từ sự nỗ lực phát triển mô hình trồng cam của anh và gia đình trong nhiều năm qua.

Anh Sỹ cho biết: Năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng 3 ha cam Vinh và cam đường Canh, sau 2 năm, cây bói quả và cho thu hoạch với sản lượng 5 tấn. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, năm 2017, gia đình tôi được UBND xã hỗ trợ 35.000 cây giống và hệ thống vòi tưới nhỏ giọt để mở rộng mô hình. Đến đầu năm 2019, được sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng huyện, gia đình tôi đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, quả cam to đều, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng nâng lên. Hiện nay, gia đình có 6 ha cam các loại, 2 năm trở lại đây, sản lượng đạt gần 30 tấn quả/năm, sau khi trừ chi phí thu nhập đạt khoảng 400 triệu đồng/năm.

Người dân xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng chăm sóc vườn cam

Còn tại thôn Làng Cần, xã Đồng Tân, gia đình ông Lê Bá Hải có thu nhập cao từ mô hình chăn nuôi gà. Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông nuôi 3 lứa gà, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Ông Hải cho biết: Năm 2017, nhận thấy quỹ đất rộng, tôi đã quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi gà khép kín với quy mô 2.000 con. Vừa làm tôi vừa tham khảo các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi để áp dụng nên gà ít bị bệnh và sinh trưởng tốt. Trong quá trình phát triển mô hình, năm 2019, gia đình được UBND xã hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi với tổng kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tôi có điều kiện nâng tổng đàn lên 6.000 con/lứa và duy trì đến nay.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, toàn huyện hiện có khoảng 60 mô hình sản xuất hiệu quả, mỗi mô hình đem lại thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng/năm trở lên như: mô hình trồng cây ăn quả (diện tích khoảng 4.900 ha); mô hình chăn nuôi dê (quy mô trên 8.000 con); mô hình chăn nuôi gà (tổng đàn 900 nghìn con); mô hình ươm giống cây lâm nghiệp (trên 700 vườn ươm)… Góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 45 triệu đồng (năm 2020), tăng 19 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,98% (năm 2016) xuống còn 6,56% (năm 2020).

Để có được kết quả tích cực này, thời gian qua, UBND huyện đã thực hiện các giải pháp để phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Cụ thể, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cân đối nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp để tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Theo đó, trung bình một năm, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức được 40 lớp tập huấn lồng ghép phát triển mô hình kinh tế cho gần 2.000 người tham dự.

Song song với tập huấn, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn các mô hình sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ phát triển. Từ năm 2016 đến hết năm 2020, huyện đã phân bổ 4,1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới hỗ trợ mở rộng sản xuất đối với 50 mô hình tại các xã trên địa bàn. Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất, đặc biệt, xây dựng các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn, làm cơ sở phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và khai thác, tạo thương hiệu sản phẩm.

Việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất đã giúp người dân được tiếp cận với khoa học – kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho người dân.


HỒ DUNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/445477-phat-trien-mo-hinh-san-xuat-o-huu-lung-gop-phan-nang-cao-doi-song-nguoi-dan.html


  • Từ khóa