Giải phóng mặt bằng: Cách làm hiệu quả ở huyện Chi Lăng

Thứ 5, 02.09.2021 | 09:34:05
968 lượt xem

Trong thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, huyện Chi Lăng đã có nhiều giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, huyện thực hiện phê duyệt phương án bồi thường chi tiết của từng hộ, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Năm 2021, huyện Chi Lăng thực hiện giải phóng mặt bằng 23 công trình, dự án gồm: 6 dự án mới và 17 dự án chuyển tiếp. Trong đó có 4 dự án trọng điểm của tỉnh gồm: đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; khu đô thị mới phía Đông thị trấn Đồng Mỏ; dự án đền thờ Chi Lăng và đường liên xã thị trấn Chi Lăng vào trung tâm xã Y Tịch.

Nhà thầu thi công xử lý “điểm đen” trên quốc lộ 279 tại khu vực Đèo Bén, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng

Khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn, để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, UBND huyện Chi Lăng đã có những giải pháp hiệu quả, phù hợp như: cập nhật danh mục công trình, dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện; công khai thông tin quy mô các dự án; trích đo thửa đất, lập giá đất cụ thể; thành lập tổ công tác tuyên truyền vận động; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để triển khai bồi thường bảo đảm đồng bộ… Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, UBND huyện Chi Lăng còn triển khai giải pháp mới là khi thực hiện xong khâu đo đạc kiểm đếm, huyện thực hiện lập, phê duyệt phương án bồi thường chi tiết cho từng hộ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chi Lăng cho biết: Trước đây, khi thực hiện lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các hộ bị thu hồi đất theo cách làm truyền thống là gom nhóm hộ từ 10 đến 100 hộ vào một phương án. Nhưng qua thực tế triển khai cho thấy: lập phương án nêu trên có bất cập là khi niêm yết tại nhà văn hóa thôn hay UBND xã, người bị thu hồi đất phải mất thời gian tìm kiếm trong quyết định và người này theo dõi được thì người khác lại phải chờ (do một quyết định có nhiều hộ cùng được phê duyệt). Ngoài ra, việc lập phương án của nhiều hộ tại một quyết định nếu xảy ra sai sót, trung tâm sẽ phải đính chính lại toàn bộ phương án dẫn đến mất rất nhiều thời gian.

Từ những bất cấp nêu trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã nghiên cứu và quyết định áp dụng phê duyệt phương án bồi thường cho từng hộ. Giải pháp này có ưu điểm là niêm yết trực tiếp tới từng hộ dân để các hộ tự rà soát khối lượng, nếu thấy đã đúng đủ và các hộ chấp thuận với phương án thì UBND huyện phê duyệt và chi trả bồi thường ngay. Hơn nữa, khi phương án được lập cho từng hộ, nếu các hộ có thắc mắc ở mục nào, khối lượng nào trong phương án còn thiếu sót, cán bộ thực hiện dự án sẽ không phải tra cứu mà có thể đối chiếu, giải thích rõ ngay cho người dân hiểu, từ đó hạn chế thấp nhất việc phát sinh đơn kiến nghị, khiếu nại từ người bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó, khi thực hiện lập phương án theo từng hộ, cán bộ trực tiếp đo đạc, kiểm đếm phải làm rất kỹ, tỉ mỉ, góp phần hạn chế tối đa sai sót khi lập, phê duyệt phương án cho các hộ. Để làm được việc này, đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường phải thường xuyên tự nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhờ cách làm nêu trên, trong năm 2020 và 8 tháng năm 2021, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản các dự án đáp ứng được yêu cầu tiến độ chủ đầu tư đề ra. UBND huyện đã thực hiện phê duyệt phương án bồi thường cho 639 hộ tại 17 dự án với diện tích thu hồi 55/325 ha, tổng kinh phí chi trả hơn 30 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2021, huyện đã hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện được 7/17 dự án chuyển tiếp.

Ông Hoàng Đức Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và bảo trì công trình giao thông thuộc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Ban đang thực hiện 3 dự án hạ tầng giao thông tại huyện Chi Lăng có liên quan đến giải phóng mặt bằng gồm: 2 dự án chuẩn bị khởi công mới (dự án đường liên xã thị trấn Chi Lăng vào trung tâm xã Y Tịch; công trình xử lý “điểm đen” mất an toàn giao thông đường Đồng Mỏ – Hữu Kiên) và một dự án đã triển khai thi công (dự án cải tạo xử lý “điểm đen” mất an toàn giao thông tại Đèo Bén, thị trấn Đồng Mỏ). Trong thời gian phối hợp triển khai bồi thường hỗ trợ tái định cư với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cho thấy, phương pháp của trung tâm thực hiện phê duyệt phương án chi tiết cho từng hộ là rất hiệu quả và rút ngắn được thời gian niêm yết cũng như phê duyệt quyết định chính thức. Nhờ vậy, công trình cải tạo “điểm đen” mất an toàn giao thông tại Đèo Bén được khởi công đầu tháng 6/2021 đến nay đã hoàn thành giải phóng đạt 80% khối lượng. Hai công trình chuẩn bị khởi công mới đang được huyện thực hiện quy chủ đất đai và đo đạc kiểm đếm lập phương án bồi thường dự kiến trong tháng 10/2021 thực hiện khởi công.

Với cách làm sáng tạo và những giải pháp nêu trên, quy trình trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện Chi Lăng trong thời gian qua đã được rút ngắn mà vẫn bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, bảo đảm được tính công khai, minh bạch và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân khi thu hồi đất, từ đó tự giác chấp hành, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.


TRANG NINH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/445688-giai-phong-mat-bang-cach-lam-hieu-qua-o-huyen-chi-lang.html

  • Từ khóa