Trong hành trình đến một quốc gia thịnh vượng như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ là lực lượng tuyến đầu để hiện thực hoá khát vọng lớn lao trên.
(Ảnh minh hoạ: TRẦN HẢI)
Những lần Tổ quốc gọi tên
Cuộc trò chuyện với TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vào dịp Quốc khánh 2/9 vẫn được mở đầu và kết thúc bằng câu chuyện về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mà trọng tâm là kinh tế tư nhân.
Điểm khác biệt là người dẫn chuyện chỉ ra một nội dung rất thú vị, rằng chúng ta đã có 17 năm tôn vinh doanh nhân và lịch sử hình thành của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là một quá trình song hành cùng lịch sử lập quốc với nhiều dấu mốc đáng nhớ.
Ông Lộc vẫn có những cách đặt vấn đề rất mới về một nội dung vốn đã quen thuộc, vì bản thân ông là người “có duyên phận” với kinh tế tư nhân.
“Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đề cập đến kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân khi Bác nói về áp bức, bóc lột của thực dân Pháp với các giai tầng trong xã hội, trong đó có câu “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”.
Dấu ấn của đội ngũ tư sản dân tộc thể hiện rất rõ nét trong thời điểm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Như, bản Tuyên ngôn Độc lập được Bác viết trong những ngày trở về Hà Nội ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - nhà tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành Đảng viên Cộng sản.
Ngay sau khi giành độc lập, những thượng khách đầu tiên được Bác và Chính phủ lâm thời tiếp đón trang trọng tại Phủ Chủ tịch cũng chính là các nhà tư sản.
Ngày 13/10/1945, Bác viết bức thư gửi giới công thương, đặt niềm tin và khẳng định sứ mệnh của doanh nhân trong công cuộc kiến thiết đất nước. Chính các nhà tư sản dân tộc cũng đóng tiền của ủng hộ ngân sách của Chính phủ lâm thời thông qua “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” Bác phát động.
Năm 2013, lần đầu tiên doanh nhân được hiến định trong Hiến pháp cùng với các quy định rất mở và thông thoáng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các quyền kinh tế.
Năm 2017, văn kiện của Đảng chính thức ghi nhận “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” (Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 03/6/2017).
Một thế hệ doanh nhân phụng sự
Thể chế nào, doanh nghiệp ấy. Những thay đổi quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế tư nhân cùng với sự đồng hành của Chính phủ kiến tạo những năm gần đây đã thúc đẩy hình thành một lực lượng doanh nghiệp mới, được chèo lái bởi một thế hệ doanh nhân đặt biệt.
Khác với thế thệ doanh nhân đầu tiên khởi nghiệp từ thôi thúc thoát nghèo, thế hệ doanh nhân ngày nay khởi nghiệp từ sự đam mê, từ ý chí, khát vọng mang tầm thời đại.
“Tôi gọi đây là một thế hệ doanh nhân phụng sự, họ là những người kinh doanh đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết. Ngay lúc này, khi dịch bệnh đang làm đứt gãy các chuỗi giá trị, điểm phục hồi chưa thể dự báo nhưng chưa bao giờ doanh nhân Việt lại đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Họ muốn có mặt trong hành trình đi đến sự thịnh vượng của đất nước, muốn góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Nhưng điều mà ông Vũ Tiến Lộc còn trăn trở là chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc, dù cả nước đã có một khu vực tư nhân đông đảo hơn 750 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, hơn 4 triệu hộ kinh doanh và đã có những tỷ phú đô-la cùng nhiều thương hiệu Việt Nam được thế giới công nhận.
Nhưng các doanh nghiệp đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua.
Bức tranh tổng thể kinh tế tư nhân Việt Nam được chia theo tỷ lệ 10-20-30. Nghĩa là doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 30% GDP là hộ kinh doanh cá thể. doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 0,65%, doanh nghiệp vừa chiếm 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng các chuỗi giá trị trong công nghiệp.
Đây có thể coi là định hướng mới để thực hiện mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ đóng góp 50% GDP vào năm 2020, đóng góp 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030 như Nghị quyết số 10-NQ/TW đề ra.
“Đó là những mục tiêu hiện thực nếu trong thời điểm khó khăn chưa từng có này, chúng ta đặt niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân, xác định kinh tế tư nhân là “rường cột” của nền kinh tế nước nhà. Kinh tế tư nhân chính là kinh tế của nhân dân, là sự sáng tạo của toàn dân. Nếu chính quyền tận tâm, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tận lực làm cho mọi nguồn lực của nhân dân được bừng nở, tạo ra của cải vật chất cho toàn xã hội, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Tô Hà - Giang Vi/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/kinh-te-tu-nhan-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-662889/