Các sản phẩm nông sản do nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất để đến được tay người tiêu dùng thì phải qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí. Ứng dụng kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân không còn phụ thuộc vào thương lái, có thể trực tiếp kết nối với người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Trong khi nhiều nông dân trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm na thì anh Quách Dương Duy, thôn Chục Quan, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng lại nhận được đến 450 đơn đặt hàng na trong 1 ngày với số lượng 2,2 tấn thông qua sàn thương mại điện tử. Nhờ chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, thay vì phải mang ra chợ bán, anh Duy chờ khách đặt hàng mới tiến hành hái quả và đóng gói. Na sau khi được được đóng thùng đã có nhân viên Viettelpost nhận tại nhà và chuyển đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, anh cũng không phải chịu cảnh thương lái ép giá, giá bán luôn ổn định từ 40.000 đến 70.000 đồng/kg.
Nhân viên Vnpost hướng dẫn người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đóng gói sản phẩm na
Anh Duy cho biết: Tháng 7/2021 vừa qua, tôi đã mở gian hàng số và chủ động tìm hiểu cách bán hàng, quảng bá sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử. Lúc đầu, số đơn hàng còn ít do khách lo ngại quá trình vận chuyển kéo dài khiến na không đảm bảo chất lượng. Tôi đã hỏi rõ đơn vị vận chuyển và thông tin, trao đổi kịp thời với khách hàng. Những đơn hàng đầu tiên tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng như: vận chuyển nhanh, na đến tay khách đảm bảo chất lượng, hình thức, mẫu mã. Sau đó, họ giới thiệu cho bạn bè, người thân, gửi tặng, làm quà biếu nên số lượng đơn hàng cũng tăng theo.
Ông Vy Văn Đua, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Yên Sơn là xã vùng 3 của huyện Hữu Lũng, đường sá không thuận tiện nên nông sản của nông dân gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, doanh nghiệp đã hỗ trợ bà con trên địa bàn mở hơn 40 gian hàng số tại 5 thôn. Tuy mới triển khai, song đã có 20 hộ bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử. Ngoài anh Duy là “siêu đầu tàu” thì còn có 1 hộ bán được gần 100 đơn hàng trong một ngày.
Trước đây, nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ quen với việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm rồi mang ra chợ bán theo cách truyền thống mà ít quan tâm đến việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong giai đoạn hiện nay, để tạo ra giá trị gia tăng nhưng không tăng diện tích, sản lượng, người nông dân cần phải thay đổi tư duy. Trước hết là tham gia phát triển kinh tế số. Mục đích của việc triển khai kinh tế số là giúp người dân thay đổi thói quen mua bán, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh trao đổi, mua bán thuận lợi trên sàn thương mại điện tử. Trong đó có thể kể đến như: Sở đang phối hợp với Hội sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ người dân mở tài khoản thanh toán điện tử, rút tiền, nộp tiền vào tài khoản ngay tại các xã; chỉ đạo Vnpost, Viettelpost xây dựng phương án vận chuyển nông sản đảm bảo không quá 72 giờ đối với khách ngoại tỉnh, 24 giờ với khách nội tỉnh sau khi đóng gói. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thời gian chín, quy trình thu hái, đóng gói, bảo quản nông sản để đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo người dân.
Từ ngày 20/7 đến nay, tại 5 huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Bắc Sơn, Tràng Định đã có trên 13.800 gian hàng số, 5.000 tài khoản thanh toán điện tử được mở. Các gian hàng đã thực hiện trên 4.000 giao dịch với doanh thu hơn 700 triệu đồng. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên thông qua các tiểu phẩm, hướng dẫn, bài viết trên hệ thống truyền thanh cấp xã, báo, đài trung ương và địa phương. Song song với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 4 hội nghị trực tuyến cùng nhiều buổi kiểm tra thực tế tại các huyện, xã để nắm bắt tình hình triển khai phát triển kinh tế số và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Theo đó, từ những chi tiết nhỏ như: cần phải dùng lưới xốp để bọc từng quả na thay cho báo cũ chứa chì ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; hộp đựng cần phải bền, chắc, rẻ tiền, mỗi quả na cần nằm trong 1 ô chứa riêng để đảm bảo mẫu mã… đều được tính đến và tìm hướng giải quyết nhanh chóng. Từ đó, hàng trăm sản phẩm nông sản của tỉnh như: na, lạp sườn, măng ớt, nụ vối, chanh rừng, mật ong, hồi, quế, miến rong, cao khô… đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Việc kinh tế số được triển khai nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận đã khẳng định quyết tâm của tỉnh Lạng Sơn. Thời gian tới chương trình tiếp tục được triển khai tại các huyện còn lại. Từ nay đến cuối năm là thời điểm cho thu hoạch nhiều loại nông sản, trong điều kiện chuỗi cung cầu bị đứt gẫy như hiện nay thì giao dịch qua các sàn thương mại điện tử là nhu cầu tất yếu. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen mua bán, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh
HOÀNG VƯƠNG/baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/445920-ung-dung-kinh-te-so-trong-san-xuat-nong-nghiep.html