Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc lưu thông hàng hóa giữa các nước rất hạn chế nên đây chính là cơ hội để đưa hàng Việt đến gần hơn với người Việt. Các mặt hàng Việt đã góp phần ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm chống dịch, không lo thiếu hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Tại thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có TP. Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, TP. Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối nội địa, đồng thời kích thích tiêu dùng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cửa hàng, siêu thị đã liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng nguồn hàng bảo đảm đầy đủ, phong phú và cam kết mức giá ổn định. Việc ưu tiên các doanh nghiệp Việt trong chính sách mua hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng chất lượng cao đã tạo động lực để doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để vươn lên ổn định và phát triển sản xuất.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động nhiều về giá, hàng hóa dồi dào, đủ loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Từ đó, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa.
Chị Trần Thị Thu (ở Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị thường ở nhà đặt mua hàng hóa qua kênh online, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu và chị rất chú trọng đến các sản phẩm hàng Việt như mì tôm, gạo, miến… do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
“Tôi nhận thấy hàng Việt có chất lượng ngày càng cao, giá cả phải chăng, có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng như tôi ngày càng quan tâm và lựa chọn”, chị Thu chia sẻ.
Ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bủa vây, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm mới chinh phục thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản mùa dịch. Điển hình như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh với sản phẩm bún khô dưa hấu, bánh tráng thanh long… Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh cho biết, các sản phẩm mới này đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Ngoài đưa sản phẩm bán tại thị trường nội địa, các kênh phân phối, các chợ dân sinh, Công ty còn xuất khẩu sang một số quốc gia khác, qua đó góp phầm gia tăng giá trị cho nông sản trong nước trong giai đoạn dịch bệnh.
Để hàng Việt được đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối hiện cũng tăng tỷ lệ hàng Việt trên kênh phân phối của mình. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi đại siêu thị GO!/Big C) cho biết, Tập đoàn luôn dành những vị trí đẹp nhất, diện tích lớn nhất để trưng bày hàng do doanh nghiệp trong nước cung cấp, nhất là nhóm hàng nông, thủy, hải sản, thực phẩm khô, may mặc… Hiện Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở Công Thương cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền người dân không hoang mang, không tích trữ hàng hóa trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ, cửa hàng buôn bán và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng ở nhiều cấp độ. Hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Qua đó, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu hàng nội địa.
Về phía các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn Thành phố thực hiện cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp phân phối chủ động dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu để kịp thời cung ứng, phục vụ nhu cầu của nhân dân và phục vụ công tác huy động khi có yêu cầu.
Có thể thấy, hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân trên địa bàn lựa chọn thông qua doanh số bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt và sự tác động, lan tỏa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới việc mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa trong nước.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động thông qua việc đổi mới, đa dạng công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt phù hợp với đối tượng, địa bàn, cộng đồng dân cư…, các ngành, các cấp cần tăng cường tôn vinh, biểu dương sản phẩm Việt tiêu biểu, đi đôi với đấu tranh, xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, bảo vệ và tạo động lực để hàng Việt Nam tiếp tục đứng vững trên thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tiêu thụ hàng trong nước, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch COVID-19.
Diệu Anh/baochinhphu.vn