Chính sách tài khóa được xem là một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất để tiếp sức doanh nghiệp vượt khó khăn trong dịch Covid-19 kéo dài
Với nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai để sớm tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất - kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đến hết năm 2021 để báo cáo Thủ tướng.
Khơi nguồn vốn
Đánh giá Nghị quyết 105/NQ-CP đã đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản đầy đủ, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho rằng chính sách nếu được triển khai nhanh, đồng bộ sẽ có tác dụng hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới với tâm thế "sống chung với dịch".
Với riêng nhóm chính sách tài khóa, ông Vũ cho hay trong lúc này, DN không xin giảm lãi suất mà mong muốn các ngân hàng có cơ chế cho giãn nợ. Bởi lẽ, nếu sau ngày 15-9, DN được mở ra các điều kiện thông thoáng hơn để hoạt động thì cần rất nhiều chi phí để sắp xếp, tái tổ chức tất cả các khâu... Trong khi đó, hợp đồng vay vốn lưu động của DN chỉ kéo dài 3-6 tháng, tạo rất nhiều áp lực cho DN có thời gian đáo hạn rơi ngay vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm nay. Để tránh vừa phải "làm lại từ đầu" vừa phải xoay xở để đảo nợ, DN mong muốn được giãn nợ từ 3-6 tháng. "Với việc giãn nợ, DN vẫn trả lãi đầy đủ nhưng giảm được áp lực trả nợ gốc và rủi ro rơi vào nhóm nợ xấu. Nhà nước đã có chính sách về túi an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19, cho giãn nợ có thể xem như túi an sinh hỗ trợ DN trong lúc ngặt nghèo" - ông Vũ nói.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cũng khẳng định các DN đang kỳ vọng nhiều vào việc triển khai chính sách cụ thể của các bộ, ngành trên cơ sở Nghị quyết 105/NQ-CP, đặc biệt là nội dung sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách phù hợp với thực tế. "Có khoảng 16/49 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi vay từ nay đến cuối năm. Nhưng thực tế, các ngân hàng mới giảm tối đa 1 điểm %/năm, còn một số ngân hàng vẫn đang chờ hướng dẫn từ hội sở. DN tại TP HCM đang rất khó khăn, cần được tiếp cận vốn tín dụng mới sau khi được khoanh, giãn nợ cũ mới để có cơ hội phục hồi" - ông Phạm Văn Việt nói và kiến nghị ngành ngân hàng giảm thêm lãi vay và hỗ trợ cho DN vay mới.
Sớm hoàn tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, DN du lịch tiếp tục thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do vậy, với Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sớm cho phép DN dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023. Đồng thời, giảm thời gian hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày. Hiện DN kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa đang phải ký quỹ 100 triệu đồng và lữ hành quốc tế là 500 triệu đồng. Với mức giảm 80%, DN lữ hành quốc tế sẽ được hoàn tiền ký quỹ 400 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Vinagroup, nhận xét chính sách giảm 80% tiền ký quỹ trong 2 năm để hỗ trợ DN lữ hành là hợp lý. Dù vậy, thủ tục để hoàn trả khoản tiền trong 30 ngày vẫn còn dài. Do đó, DN kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm việc với các ngân hàng thương mại về thủ tục hỗ trợ DN được hoàn lại khoản tiền này sớm nhất, thủ tục đơn giản nhất.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, việc hoàn tiền ký quỹ cho DN là cấp bách bởi số tiền không nhỏ này có thể giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn và làm tiền đề phát triển cho giai đoạn sau. Ông Phương cũng cho rằng để triển khai hiệu quả, cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành từ cơ quan quản lý bởi càng chậm trễ thì DN càng khó khăn.
Tương tự, lĩnh vực hàng không cũng chịu thiệt hại nặng nề khi đến nay các đường bay nội địa vẫn chưa mở cửa trở lại. Với mức độ sụt giảm doanh thu đến 80%-90%, các hãng bay bị thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, nợ gốc và lãi vay tăng cao. Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cũng liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không vay tùy theo quy mô kinh doanh, với số tiền từ 4.000-5.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn.
Cần cụ thể hóa chính sách
Đây không phải lần đầu trong 2 năm qua, Chính phủ đưa ra các giải pháp, chính sách trợ lực cho DN trong bối cảnh dịch bệnh tác động xấu đến sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không phải chính sách, gói hỗ trợ nào cũng được triển khai nhanh và phát huy hiệu quả. Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng việc cụ thể hóa nghị quyết thành chính sách cần thực hiện với tốc độ nhanh hơn trước. "Bộ Tài chính cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn chi tiết việc miễn giảm thuế, chi phí như thế nào cho DN. Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát trong năm nay rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sức khỏe nhân dân cũng như sức khỏe của DN. Do đó, đòi hỏi phải có một gói kích thích khôi phục kinh tế đủ lớn, thậm chí lớn gấp nhiều những lần trước để vực dậy được nền kinh tế" - ông Ngân nói.
Cũng theo ông Ngân, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các chính sách, gói hỗ trợ đến tay người dân, DN trong hơn 1 năm qua. Do vậy, trong điều kiện hiện tại, để hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhất, Chính phủ cần kiên quyết xử lý các bộ, ban, ngành... đưa ra giải pháp không khả thi, xa rời thực tế. "Chúng ta đã rút kinh nghiệm rồi, không thể rút kinh nghiệm thêm nữa. Điều cần thiết bây giờ là nắm thực tiễn một cách nhanh nhất để gấp rút triển khai các chính sách khả thi, giảm gây tổn thương hơn nữa đến nền kinh tế" - ông Ngân nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho hay Chính phủ đang gấp rút chỉ đạo các bộ, ngành hoàn tất các giải pháp mới để hỗ trợ DN, đặc biệt là giải pháp liên quan đến tiêm vắc-xin, tổ chức "luồng xanh" cho vận tải hàng hóa. "Trên lý thuyết, nền kinh tế thị trường là phải chấp nhận thực tế DN yếu, không đủ linh hoạt sẽ phải phá sản nếu đối mặt với khủng hoảng. Nhưng cũng không thể để DN phải dừng hoạt động vì sự thiếu thống nhất trong điều hành chính sách của bộ, ngành, địa phương. Cần có sự hỗ trợ hết sức từ nhà nước cho DN nào còn có thể hoạt động và bây giờ chính là thời điểm để lên kế hoạch cho phục hồi kinh tế" - TS Kiên nêu quan điểm.
Ông Kiên cho rằng Chính phủ cần xây dựng kế hoạch để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm nay hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để có cơ sở xây dựng các gói đầu tư, phương án bội chi ngân sách, nợ công. Trong đó, coi nguồn vốn đưa vào đầu tư công là vốn mồi và phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo cơ hội cho mọi DN hoạt động ở giai đoạn hậu Covid-19.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/cap-bach-ho-tro-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-20210910214859999.htm