Nguy cơ chệch hướng mục tiêu giảm đói nghèo toàn cầu

Thứ 7, 11.09.2021 | 15:12:34
1,036 lượt xem

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra báo cáo quan trọng về khu vực, trong đó nhận định, đại dịch Covid-19 có thể đã đẩy 80 triệu người ở khu vực châu Á đang phát triển rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực vào năm ngoái. Những tổn thất kinh tế do đại dịch gây ra cho thế giới khiến nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu của Liên hợp quốc (LHQ) trở nên khó khăn.

Người lao động ở Bangladesh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS 

Trong số các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương được ADB báo cáo, bao gồm 46 nền kinh tế đang phát triển và ba nền kinh tế phát triển, chỉ có khoảng 25% trong số đó ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Theo ước tính của ADB, tỷ lệ người nghèo cùng cực (mức sống dưới 1,9 USD/ngày) ở khu vực châu Á đã giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống còn 2,6% vào thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra khiến tỷ lệ người nghèo theo ước tính tăng khoảng 2% trong năm ngoái. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, khu vực này đã mất khoảng 8% số giờ lao động, ảnh hưởng đến các hộ nghèo và người lao động làm việc trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức. Theo Nhà kinh tế trưởng ADB Yasuyuki Sawada, châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng dịch Covid-19 làm bộc lộ sự đứt gãy về xã hội và kinh tế, có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực. Trong khi đó, theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ, hiện có khoảng 810 triệu người trên khắp thế giới đang ở ngưỡng đói nghèo trầm trọng, tăng mạnh so với con số 690 triệu người hồi năm 2019.

Nền kinh tế thế giới cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng không đồng đều. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, nhưng các nước phát triển có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn các nước đang phát triển. IMF cho rằng, tiến trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là yếu tố phân chia khả năng phục hồi giữa nhóm nước phát triển và nhóm đang phát triển, đồng thời cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể vi-rút mới sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới. Để hỗ trợ các quốc gia hồi phục sau đại dịch, IMF thông báo quyết định về mức phân bổ chung mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD mà Hội đồng Thống đốc của tổ chức này thông qua đầu tháng 8 bắt đầu có hiệu lực. Khoảng 275 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển. Trong số này, khoảng 21 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các quốc gia thu nhập thấp. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, mức phân bổ SDR mới sẽ giúp tăng cường tính thanh khoản cho hệ thống kinh tế toàn cầu, bổ sung cho nguồn dự phòng ngoại hối của các nước, thúc đẩy các biện pháp ứng phó khủng hoảng.

Những tác động do đại dịch đối với kinh tế - xã hội đe dọa làm chệch hướng tiến độ đạt các mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói vào năm 2030. Mới đây, LHQ cho biết, mục tiêu xóa đói và suy dinh dưỡng trên thế giới đến năm 2030 khó có thể đạt được do đại dịch Covid-19 và sự lây lan của biến thể vi-rút mới đã làm trầm trọng hóa thực trạng hiện nay. Để làm giảm những tác động của đại dịch đối với người nghèo, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của LHQ cho biết sẽ phối hợp cùng các ngân hàng phát triển của chính phủ các nước đầu tư cho việc chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững nhằm đem lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nguy-co-chech-huong-muc-tieu-giam-doi-ngheo-toan-cau-664353/

  • Từ khóa