Sẵn sàng phương án tiêu thụ quả hồng mùa dịch

Thứ 4, 15.09.2021 | 08:46:12
1,578 lượt xem

Hồng không hạt, trong đó chủ yếu là giống hồng vành khuyên – sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Văn Lãng đang dần chín rộ đúng thời điểm huyện Văn Lãng đang là vùng có dịch. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của huyện đã và đang chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ người dân tiêu thụ hồng khi dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

Từ ngày 25/8 đến ngày 7/9, toàn huyện Văn Lãng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Gia đình có diện tích trồng hồng lớn nhất xã, anh Hoàng Văn Hưng, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt cho biết: Nhà tôi có khoảng 800 cây hồng vành khuyên đang bước vào vụ thu hoạch. Nhìn quả hồng bắt đầu ngả vàng óng mà tôi cũng như bà con trong xã rất lo lắng không biết sắp tới sẽ tiêu thụ hồng ra sao. Hiểu được nỗi lo của người dân chúng tôi, huyện đã đưa ra phương án kịp thời, do đó, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, quả hồng vẫn đảm bảo “chín đến đâu, tiêu thụ đến đó”.

Thu mua hồng giao dịch tại điểm tập kết thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ

Được biết, trong thời gian thực hiện giãn cách toàn huyện theo Chỉ thị 16, UBND huyện đã kịp thời ban hành văn bản đưa ra phương án hỗ trợ tiêu thụ hồng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn huyện, theo đó quy định 9 điểm tập kết quả hồng tại xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Thanh Long.

Trên cơ sở danh sách tổng hợp các hộ trồng hồng, các xã sẽ cử cán bộ đầu mối chủ động liên hệ theo danh sách các tiểu thương, doanh nghiệp đã đăng ký thu mua hồng để cập nhật số lượng, đơn hàng; sau đó cử đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ dân có trách nhiệm nhận đơn đặt hàng từ các thương lái thu mua và liên hệ các hộ để chủ động thu hoạch, đưa ra địa điểm cân tập kết để thương lái thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ. Kể từ cuối tháng 8 đến nay, phương án hỗ trợ người dân tiêu thụ hồng trong thời điểm giãn cách xã hội đã giúp người dân giải quyết được trung bình 20 tấn hồng/ngày.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, tổng diện tích thu hoạch sản phẩm hồng không hạt (vành khuyên, bảo lâm) toàn huyện năm nay khoảng 863,4 ha, ước sản lượng đạt 5.200 tấn. Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Từ ngày 7/9, toàn huyện điều chỉnh giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 tại 16/17 xã, thị trấn (trừ thị trấn Na Sầm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16), việc tiêu thụ hồng trở nên thuận lợi hơn cho thương lái thu mua cũng như người dân. Hiện đã có gần 20 thương lái đăng ký thu mua hồng trên địa bàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại địa phương vẫn tiềm ẩn phức tạp, bên cạnh việc yêu cầu các xã tiếp tục duy trì các điểm tập kết để thương lái và người dân giao dịch, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tiếp tục ban hành văn bản chỉ rõ vai trò của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trên địa bàn huyện trong việc hỗ trợ người dân tiêu thụ hồng.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện hiện đang tiến hành rà soát và phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa sản phẩm hồng lên các sàn thương mại điện tử; Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể huyện tuyên truyền đến các hội viên, đoàn viên để làm cầu nối tiêu thụ, vận chuyển nông sản; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trong việc kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện; hướng dẫn thủ tục cho các thương lái, doanh nghiệp trong vận chuyển tiêu thụ nông sản đi các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Về phía cấp xã, ông Hoàng Minh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (xã có diện tích trồng hồng lớn nhất của huyện) cho biết: Hiện nay, huyện đã giao cho xã chủ động bố trí điểm tập kết, chúng tôi đã tăng từ 6 điểm (giai đoạn giãn cách theo Chỉ thị 16) lên 11 điểm tập kết rải rác tại một số thôn. Ngoài việc cử cán bộ đầu mối phụ trách nắm bắt nhu cầu tiểu thương cũng như sản lượng hồng thu hoạch, chúng tôi còn phân công cán bộ xã, bí thư chi bộ thôn phụ trách giám sát việc đảm bảo phòng dịch tại các điểm tập kết; hướng dẫn hộ dân cách thức, thời điểm vận chuyển hồng từ các hộ ra điểm tập kết hợp lý, tránh tập trung quá 10 người cùng lúc, đến nay đã tiêu thụ trên 180 tấn hồng.

Được biết, để hỗ trợ huyện Văn Lãng trong tiêu thụ hồng, Tổ công tác liên ngành theo Quyết định 1669 của tỉnh (theo Quyết định của UBND tỉnh ngày 20/8/2021 về việc thành lập Tổ công tác liên ngành chỉ đạo, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Lạng Sơn trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp) đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND huyện Văn Lãng đề ra các phương án cụ thể sẵn sàng cho mọi tình huống trong tiêu thụ hồng vành khuyên Văn Lãng. Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã thiết lập điểm hỗ trợ tiêu thụ hồng vành khuyên tại Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại thành phố Lạng Sơn và đưa sản phẩm hồng lên gian hàng số của trung tâm trên các sàn thương mại điện tử: voso, postmart. Từ ngày 11/9 đến nay, trung tâm đã đã tiêu thụ được gần 3 tạ hồng. Bên cạnh đó, phương án vận động cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ hồng vành khuyên Văn Lãng sẽ được thực hiện nếu như nếu như tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hồng tại các thị trường.


HOÀNG NHƯ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/cong-nghiep-thuong-mai/thi-truong/448316-san-sang-phuong-an-tieu-thu-qua-hong-mua-dich.html

  • Từ khóa