Xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, UBND xã Tân Hoà (huyện Bình Gia) đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng quế . Hướng đi đó bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Những ngày cuối tháng 8/2021, chúng tôi có dịp đến thăm rừng quế bạt ngàn của anh Hoàng Đức Trung, thôn Tân Tiến, xã Tân Hoà. Anh Trung cho biết: Năm 1995, tôi trồng 200 cây quế, đến năm 2009, tôi khai thác bán thu về 200 triệu đồng. Cây quế có nhiều ưu điểm là phù hợp với chất đất ở đây, thân cây dẻo có thể chống chịu mưa bão lớn, đặc biệt, để càng lâu năm, cây quế lại càng có giá trị cao nên năm 2013, tôi tiếp tục trồng 7.000 cây trên diện tích 3,5 ha. Hiện nay, rừng quế đã được 8 năm tuổi, nếu khai thác ngay cũng cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, giá trị kinh tế đem lại khá cao.
Người dân thôn Tân Tiến, xã Tân Hoà kiểm tra cây quế giống
Tương tự hộ anh Trung, gia đình bà Đặng Thị Tàn, thôn Tân Tiến (trước là thôn Nà Mang) cũng có thu nhập cao từ trồng quế. Bà Tàn cho biết: Năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng khoảng 10 vạn cây quế trên diện tích 15 ha. Sau 5 năm, tôi bán tỉa vụ đầu tiên với sản lượng 3 tấn vỏ quế, thu nhập 120 triệu đồng. Số lượng còn lại, tôi tiếp tục thu hoạch tỉa, cây càng lâu năm, vỏ càng dày thì thu nhập sẽ cao hơn. Trung bình 1 ha quế trồng 10 năm sẽ bán được 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, năm 2017, gia đình tôi còn đầu tư làm vườn ươm cây quế phục vụ nhu cầu giống trong và ngoài huyện, trung bình một năm, gia đình tôi xuất bán 30 vạn cây con, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Được biết, cây quế được trồng ở xã Tân Hoà từ khoảng 20 năm trước, tuy nhiên, lúc bấy giờ, diện tích trồng còn manh mún, người dân chưa đầu tư chăm sóc. Những năm gần đây, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và giá trị từ cây quế đem lại cao, UBND xã đã xác định quế là cây chủ lực trên địa bàn và tuyên truyền, khuyến khích, hỗ người dân mở rộng diện tích.
Theo đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, từ năm 2016 đến nay, UBND xã hỗ trợ phân bón và giống cây trồng với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng cho 282 hộ dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 175 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 7,9 tỷ đồng để mở rộng quy mô trồng quế.
Ngoài ra, để rừng quế phát triển tốt, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 lớp tập huấn/năm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh trên cây quế cho người dân. Đến nay, toàn xã có 80% số hộ dân phát triển mô hình trồng quế, với tổng diện tích 570 ha, riêng diện tích trồng mới năm 2021 là 34 ha.
Ông Hoàng Kim Viện, Chủ tịch UBND xã Tân Hoà cho biết: Hiện nay, mô hình trồng quế trên địa bàn đã đem lại hiệu quả tích cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn xã đã khai thác và tiêu thụ 36 tấn quế, đem lại giá trị 820 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất và nỗ lực tìm kiếm đối tác có thể tận thu cả cành con và lá quế, giúp người dân tăng thu nhập.
Với sự hỗ trợ của chính quyền xã cùng sự tích cực, chủ động của người dân, mô hình trồng quế trên địa bàn xã ngày càng phát triển, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 20%, giảm 34% so với năm 2016; thu nhập bình quân tăng từ 13,5 triệu đồng/người (năm 2016) lên 20,5 triệu đồng/người (năm 2020).
HỒ DUNG/baolangson.vn